MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Từ di tích khảo cổ có thể tái hiện thời kỳ Cao Bằng là kinh đô nhà Mạc

Tân Văn LDO | 26/12/2023 20:39

Tỉnh Cao Bằng vừa phối hợp Viện khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) khai quật nhiều di tích công trình được xây dựng thời nhà Mạc.

Ngày 26.12, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ địa điểm thành Nà Lữ, xã Hoàng Tung, huyện Hòa an; thành Bản Phủ và Di tích Cự Thạch Bản Thảnh xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng.

Theo báo cáo kết quả sơ bộ, tại địa điểm thành Nà Lữ phát hiện 2 hố khai quật: Hố khai quật 1 (ký hiệu 23.H1) được mở tại vị trí cổng thành Đông Nam với diện tích 120m2 bao gồm cả khu vực cổng thành, tường thành và ủng thành.

Kết cấu, các lớp khi xây dựng thành quách (khu vực di tích thành Na Lữ). Ảnh: Tân Văn.

Tại đây, phát hiện nhiều di vật như gạch, ngói, đồ gốm men, đồ sành, kim loại… thuộc nhiều giai đoạn lịch sử như thời Đường, Minh (Trung Quốc) và Trần, Lê sơ, Mạc với số gạch và ngói chiếm số lượng chủ yếu.

Hố khai quật 2 với diện tích 180m² (ký hiệu 23.NL.H2) được mở ở khu vực Vườn Đạn của nội thành của thành Nà Lữ, cách đền Vua Lê khoảng 250m về phía nam. Khu vực mở hố khai quật nằm trên không gian của gò Long, trong hệ thống 4 gò chính trong khu vực nội thành (Long, Ly, Quy, Phượng).

Đoàn khảo cổ báo cáo kết quả. Ảnh: Tân Văn.

Khảo sát hiện trường xung quanh khu vực cho thấy, từ cao xuống thấp khu Vườn Đạn có 4 cấp nền được đắp và tôn tạo khá bằng phẳng, độ cao chênh lệch giữa các cấp nền trung bình 0,5 đến 0,7m. Hố khai quật nằm trên một phần cấp nền thứ 3 từ trên xuống, cấp nền có diện tích gần 500m² (rộng 15m, dài 33m).

Tại địa điểm thành Bản Phủ, hố khai quật diện tích 150m², được mở ở góc Nam của thành Bản Phủ và nằm hoàn toàn trên cạnh Tây Nam của thành. Khu vực này mặt ngoài thành chưa bị tác động nhiều.

Các hiện vật được tìm thấy. Ảnh: Tân Văn.

Với 15 lớp khai quật tương ứng với độ dày của địa tầng khoảng 3.80m. Sau khi hoàn thành khai quật cắt rãnh tại vách đông nam cho thấy tầng đất đắp thành chỗ dày nhất là 2.80m.

Qua diễn biến địa tầng tường thành Tây Nam, 7 lớp đất đắp có màu sắc khác nhau từ giai đoạn sớm tới muộn tại đây được xác định. Độ dày của các lớp đất không đều nhau.

Quá trình khai quật, tại điểm khảo cổ thành Na Lữ đoàn cán bộ đã phát hiện cung điện, thành quách với nhiều cổ vật mang dấu ấn thời kỳ nhà Trần trước thời nhà Mạc lên Cao Bằng thế kỷ XVI.

Điểm di tích thành Bản Phủ và Di tích Cự Thạch Bản Thảnh có nhiều phát hiện mới bước hiện vật gạch vồ, gốm sứ cổ để xác định thời gian, bối cảnh lịch sử của di tích khoảng thế kỷ XVI, XVII.

Theo Tiến sĩ Phạm Thanh Sơn (Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), ở lần khảo cổ này, rất nhiều công trình đã được phát hiện nhiều hiện vật thuộc thời kỳ nhà Mạc như gạch vồ, đồ gốm sứ...

Ngoài ra, tại địa điểm thành Bản Phủ đã phát hiện ra vết tích của một cây cầu đá được xây dựng quy mô, dựa trên các mảnh gốm sứ có nguồn gốc đa dạng như nhà Minh (Trung Quốc), nhà Lý, nhà Trần... bước đầu nhận định toà thành được xây đắp vào thế kỷ XVII, bởi đây là triều đại muộn nhất xuất hiện tại đây. Từ các di tích cùng với các công nghệ hộ trợ việc tái hiện lại bối cảnh kinh đô nhà Mạc tại Cao Bằng là việc có thể làm.

Ngày 15.6.1527, Mạc Đăng Dung được vua Lê Cung Hoàng nhường ngôi, ông lên ngôi vua đặt niên hiệu Minh Đức.

Sau thời thịnh trị, năm 1592, quân nhà Lê tiến ra Bắc chiếm lại thành Thăng Long, nhà Mạc rút lên Cao Bằng chọn vùng trung tâm Hòa An đóng đô, dựa vào địa thế núi rừng hiểm trở để xây dựng căn cứ, lấy Na Lữ (xã Hoàng Tung, Hòa An) và Cao Bình (xã Hưng Đạo, nay thuộc Thành phố) làm kinh đô, lập vương phủ ở Cao Bình.
Nhà Mạc lên trấn giữ vùng Cao Bằng, thiết lập vương triều, xưng vương hiệu, điều hành chính sự, mở rộng khu vực quản lý cả vùng Đông Bắc của nước Đại Việt, đắp thành lũy, xây dựng lực lượng, xây dựng vùng lãnh thổ phía Đông Bắc ngày càng phát triển về mọi mặt, cùng tồn tại song song với chính quyền Lê - Trịnh (sử ghi là Nam - Bắc triều).

Năm 1677, thời Mạc Kính Vũ trị vì, nhà Mạc suy yếu bị quân Lê - Trịnh đánh bật khỏi cố đô Hoà An. Đến năm 1692 ông bị bắt, chính thức chấm dứt thời kỳ nhà Mạc tại Cao Bằng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn