MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ca khúc “Tiến quân ca“. Ảnh: Hội nhạc sĩ Việt Nam

Tự hào khi hát Quốc ca

Mi Lan LDO | 02/09/2023 09:05

Ngày 13.8.1945, Hồ Chủ tịch chính thức duyệt bài hát “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao trở thành Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Bài hát ai cũng có thể hát hay, và hát đầy cảm xúc

Tháng 10.2021, ca sĩ Tùng Dương đã liên hệ với gia đình nhạc sĩ Văn Cao để xin được thu âm Quốc ca. Tùng Dương chia sẻ, anh nghĩ ca khúc sẽ mang đến động lực lớn lao cho mỗi người nghe sau thời gian giãn cách xã hội vì dịch COVID-19.

Và anh đã thực hiện MV “Tiến quân ca” với sứ mệnh thiêng liêng như thế, là giai điệu vực dậy tinh thần cho cả dân tộc trước muôn vàn gian khó sau đại dịch.

Theo Tùng Dương, Quốc ca là ca khúc ai trong chúng ta cũng thuộc nằm lòng, ai cũng có thể hát hay - không nhất thiết phải là ca sĩ.

“Khi hát Quốc ca, mỗi chúng ta đều cảm nhận rõ được sự thiêng liêng, tự hào dân tộc. Ai cũng có thể hát Quốc ca rất hay, không cần phải là ca sĩ. Ai cũng có thể hát Quốc ca theo cảm xúc riêng, tình yêu riêng, niềm tự hào riêng” - Tùng Dương chia sẻ với phóng viên Lao Động.

Quốc ca gắn với cuộc đời mỗi chúng ta từ khi còn rất nhỏ, trong những buổi sáng chào cờ thời đi học, cho đến suốt hành trình trưởng thành, gắn với nhiều mốc son trong cuộc đời và sự nghiệp.

Trò chuyện với Lao Động, vận động viên thể dục dụng cụ làm nên kỳ tích khi đoạt Huy chương Vàng tại 5 kỳ SEA games liên tiếp Đinh Phương Thành đã chia sẻ, nhiều vận động viên khi đoạt huy chương có thể vui, có thể hạnh phúc nhưng họ thường bật khóc khi nghe thấy Quốc ca vang lên.

Quốc ca với những vận động viên thi đấu đỉnh cao ở các giải đấu quốc tế giống như khúc khải hoàn, ở đó chứa chan niềm tự hào, kiêu hãnh. Họ nỗ lực thi đấu vì màu cờ sắc áo, và nỗ lực thi đấu để được nghe quốc ca nước mình vang lên trên bục nhận huy chương.

Nghe Quốc ca vang lên trên trường quốc tế, ở những quốc gia xa xôi, có thể khiến bất cứ ai bật khóc. Bởi khi ấy, niềm tự hào dân tộc, niềm kiêu hãnh máu thịt, tình yêu với đất nước, nằm trong mỗi câu hát quốc ca.

Chúng ta mỗi khi hát Quốc ca đều rưng rưng xúc động chính bởi trong tình yêu chung với lịch sử, với đất nước còn có những tình cảm, cảm xúc riêng tư trong đó. Mỗi người sẽ yêu Quốc ca theo cách riêng và có lý do riêng.

“Mỗi khi đưa tay lên ngực hát Quốc ca, tôi thấy thiêng liêng vô cùng. Quốc ca mang đến cảm xúc mãnh liệt, khơi ngợi tình yêu quê hương đất nước, khơi dậy tình đoàn kết dân tộc, khẳng định sức mạnh quốc gia. Tôi yêu và trân trọng dấu ấn lịch sử trong bài hát “Tiến quân ca”. Tinh thần bài hát toát lên từ giai điệu, ca từ, luôn đầy cảm xúc, bất cứ ai nghe cũng thấy sự hào hùng, xúc động” - Tùng Dương nói.

Ý nghĩa thiêng liêng

Nhạc sĩ Văn Cao đã sáng tác ca khúc “Tiến quân ca” trong nhiều ngày tại căn gác số 171 phố Mongrant (nay là phố Nguyễn Thượng Hiền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Ngày 2.9.1945, “Tiến quân ca” chính thức được cử hành trong ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình.

Với con trai tác giả Văn Cao là hoạ sĩ Văn Thao, ông kể, ông có niềm tự hào lớn dành cho cha mình, và xúc động khi sáng tác của cha được khán giả yêu thích qua nhiều thế hệ.

“Bài hát “Tiến quân ca” đã đồng hành với nhân dân qua rất nhiều sự kiện trong suốt cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại và trường tồn đến bây giờ.

Trước khi mất, cha dặn gia đình tôi khi có thời cơ nên hiến tặng bài hát này cho Nhà nước, nhân dân. Sau đó, gia đình tôi đã thể theo nguyện vọng của cha.

Đó là vinh dự của không riêng gia đình chúng tôi mà cả nhân dân. Chỉ có nhân dân mới gìn giữ Quốc ca sống mãi, vang vọng mãi đến tận bây giờ” - hoạ sĩ Văn Thao nói với phóng viên Lao Động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn