MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tự hào tinh hoa bánh cốm Hàng Than - nét đẹp "nghề truyền thống" Hà Nội

Linh Trang LDO | 01/07/2024 14:52

Với những giá trị truyền thống còn giữ lại, bánh cốm Hàng Than từ lâu đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của người dân Hà Nội.

Bằng nỗ lực duy trì sự chất lượng qua các sản phẩm cốm truyền thống, các cơ sở sản xuất bánh cốm phố Hàng Than, quận Ba Đình rất vui mừng khi nghề sản xuất các sản phẩm từ cốm phố Hàng Than được công nhận danh hiệu “Nghề truyền thống Hà Nội”.

Có mặt từ năm 1865, cụ tổ của dòng họ Nguyễn Duy là người đầu tiên làm ra chiếc bánh cốm. Cái tên “Nguyên Ninh” có hàm nghĩa bánh cốm sẽ mang trọn nguyên gốc làng Yên Ninh, do trước kia phố Hàng Than thuộc làng Yên Ninh, tổng Yên Thành, ngoại thành Hà Nội.

Thời gian đầu, những chiếc bánh cốm được bán ở chợ Đồng Xuân và nhanh chóng nổi tiếng khắp Thủ đô bởi hương vị thơm ngon, dễ ăn, lại đượm chất thu vốn có của Hà Nội. Trải qua 6 đời làm bánh, chất lượng và uy tín của bánh cốm Nguyên Ninh vẫn được duy trì nhờ bí quyết riêng chỉ được truyền dạy cho con cháu trong nhà hơn 150 năm.

Bánh cốm Hàng Than được vinh danh “nghề truyền thống Hà Nội“. Ảnh: Bánh cốm Nguyên Ninh

Anh Nguyễn Duy Mạnh - Quản lý cửa hàng Bánh cốm Nguyên Ninh (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: "Cửa hàng Báng cốm Nguyên Ninh là cửa hàng đầu tiên làm bánh cốm ở phố Hàng Than. Vừa qua, UBND TP Hà Nội vinh danh nghề làm bánh cốm phố Hàng Than là "nghề truyền thống Hà Nội" tôi cảm thấy rất vinh hạnh.

Nghề làm bánh cốm Hàng Than được bảo tồn và phát huy là điều rất đáng quý. Tôi mong muốn sản phẩm bánh cốm được quảng bá rộng rãi hơn nữa. Trước tiên là Hà Nội, sau đó là trên cả nước và lan rộng ra các nước khác trên thế giới đều biết đến bánh cốm Hàng Than đặc sản của Hà Nội".

Bà Nguyễn Hồng Nam (Chủ một của hàng gốm ở phố Hàng Than, Hà Nội) cũng chia sẻ: "Đây là niềm tự hào, cũng là động lực để những của hàng làm bánh cốm lâu năm tiếp tục phấn đấu, đưa những sản phẩm bánh cốm chất lượng đến tay thực khách".

Bánh cốm Hàng Than giản dị, dân dã với các nguyên liệu sạch chuẩn loại 1. Vỏ cốm xào có độ dẻo mịn, mát thơm nhẹ được làm nổi bật thêm bởi nhân đỗ xanh ngọt ngào. Nhưng chỉ ngọt, thơm thôi chưa đủ, phải cần thêm một chút bùi bùi, ngậy ngậy để hương vị hài hòa hơn. Và dừa nạo được thêm vào để chiếc bánh tròn vị hơn.

Món ăn này đã trở thành một nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của người Hà Nội khiến bao thực khách xao xuyến mỗi khi ghé đến.

Bà Nguyễn Thị Thơm (Vĩnh Long) đến Hà Nội du lịch, sau khi được bạn bè giới thiệu, bà đã tìm mua bánh cốm ở Hàng Than. Sau khi thưởng thức, bà đã quyết định mua bánh cốm để làm quà tặng cho bạn bè, người thân.

Bà Thơm chia sẻ: "Bánh cốm ở đây có hương vị rất ngon, cốm dẻo thơm, các hương vị hòa quyện vào nhau rất độc đáo. Tôi còn được tận mắt chứng kiến những người thợ làm bánh nên cũng an tâm về vệ sinh và chất lượng".

Với những giá trị truyền thống còn giữ lại, bánh cốm hàng Than từ lâu đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của người dân Hà Nội. Cố nhà văn Thạch Lam từng viết rằng: “Bánh cốm là một thứ bánh gợi cho ta những kỷ niệm rất nhiều màu”.

Bánh cốm đã trở thành những vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi, giỗ chạp của người dân Việt và là món quà được ưa chuộng của nhiều du khách thập phương để họ cảm nhận được giá trị của ẩm thực truyền thống Việt.

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội công nhận 4 làng, nghề đạt danh hiệu “Làng nghề Hà Nội” và “Nghề truyền thống Hà Nội” trong đó nghề làm bánh cốm phố Hàng Than đã được UBND thành phố đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể (nghề thủ công truyền thống).

Theo thống kê, toàn TP hiện có 327 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 24 quận, huyện, thị xã. Trong đó, có 278 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề, 59 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn