MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
MV Alone Pt.II của Alan Walker được quay tại Sơn Đoòng (ảnh cắt từ video).

Từ MV của Alan Walker, phim điện ảnh Hollywood đến cách Việt Nam làm quảng bá văn hóa

Anh Tuấn LDO | 21/07/2023 13:00

Cần có một chiến lược tổng thể, sự đồng lòng nhất trí cả từ khối Nhà nước lẫn tư nhân để hiện thực hóa mục tiêu: đến 2030 nguồn thu từ các ngành Công nghiệp Văn hóa đạt 7% GDP.

Quảng bá cảnh đẹp Việt Nam

Báo Lao Động từng có bài viết “Kỳ tích MV quảng bá điểm đến Việt Nam đạt hơn 300 triệu lượt xem” về Alone Pt.II của Alan Walker quay tại hang Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới ở tỉnh Quảng Bình. Cho đến tháng 7.2023, MV đã đạt 327 triệu lượt xem (chỉ tính riêng trên YouTube). Không nhiều sản phẩm âm nhạc nói riêng, văn hóa đại chúng nói chung đạt đến độ lan tỏa như vậy.

Đi vào chi tiết, hình ảnh Việt Nam xuất hiện từ phút thứ 1.16 giây kéo dài đến hết MV 4 phút 05 giây, như vậy tổng thời lượng hiển thị cảnh đẹp Sơn Đoòng là gần 3 phút. Nhân với 327 triệu lượt xem, nghĩa là cảnh đẹp Việt Nam đã hiển thị tới 987 triệu phút.

Alone Pt.II không phải sản phẩm văn hóa đại chúng đầu tiên quay tại Quảng Bình. Năm 2016, phim điện ảnh Kong: Skull Island cũng ghi hình tại nhiều bối cảnh ở Việt Nam, đạt hiệu quả lớn.

Tất nhiên, không phải toàn bộ thời lượng 118 phút của phim Kong đều là cảnh đẹp Việt Nam. Nếu áng chừng chỉ một nửa trong số bối cảnh hiển thị là cảnh quan nước ta, thì thời lượng hình ảnh Việt Nam đến với công chúng thế giới đã ở mức 3,7 tỉ phút.

Những con số trên chỉ đơn thuần là phép tính số học, không phản ánh chính xác hiệu ứng của một sản phẩm văn hóa đại chúng với số đông. Ông Trần Nhất Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ VHTTDL - phân tích: “Về lý thuyết có thể tính được hiệu quả tiếp cận của một sản phẩm văn hóa đại chúng dựa trên thời lượng. Nhưng khác với phim quảng cáo, sản phẩm văn hóa giải trí có nhiều yếu tố cộng hưởng khiến rất khó lượng hóa, không thể tuyệt đối những con số đi kèm.

Và nhìn sang nước bạn Thái Lan

Vừa qua, giới làm phim Việt phát sốt khi nghe kể chuyện Thái Lan kiếm tiền “khủng” thế nào từ việc làm bối cảnh cho đoàn phim nước ngoài. Bà Tipanan Sirichana - Phó phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan - cho biết, nửa đầu năm 2023 có 222 bộ phim nước ngoài quay ở Thái Lan, mang về doanh thu 1,84 tỉ baht (gần 52 triệu USD), tăng 3,7 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả khả quan này là nhờ một chiến dịch tổng thể của Chính phủ Thái trong việc quảng bá xứ sở Chùa Vàng là địa điểm lý tưởng cho các nhà làm phim quốc tế.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết: “Thái Lan có chính sách rất hay để thu hút các đoàn phim nước ngoài. Không chỉ sẵn sàng về mặt thiết bị, có đội ngũ nhân sự hỗ trợ tài năng (điện ảnh Việt Nam lâu nay đã tìm đến Thái Lan như một địa điểm lý tưởng để làm hậu kỳ), Thái Lan có chính sách quảng bá điểm đến tuyệt vời...”.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh kết luận, trong điều kiện nhiều nơi trên thế giới mời gọi các đoàn phim nước khác đến, chính sách quảng bá rõ ràng, cụ thể của chính phủ Thái (kèm theo điều kiện visa thông thoáng) khiến nước này là cái tên đầu tiên xuất hiện trong đầu các nhà làm phim quốc tế mỗi khi cần bối cảnh Đông Nam Á.

Trước mắt, cần một cơ quan hay tổ chức chính phủ thống kê hiệu quả của việc mời gọi đoàn phim quốc tế đến với nước ta. Nếu có một đơn vị đo lường như thế, tính ra hiệu quả tiếp cận thì điều đó hoàn toàn có thể đưa vào bản tiếp thị bối cảnh Việt Nam, từ đó mời gọi đối tác quốc tế vào quay ở nước ta.

Cho đến giờ, Khánh Hòa là địa phương duy nhất có tầm nhìn về việc điện ảnh có thể giúp quảng bá du lịch thế nào qua những chương trình hợp tác với Bộ VHTTDL. Cần lắm những chiến lược tổng thể có sự tham gia của cả khối nhà nước lẫn tư nhân để có thể hiện thực hóa mục tiêu về doanh thu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn