MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thư viện tư nhân đầu tiên tại Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Linh

Từ nhà đọc cộng đồng đến thư viện tư nhân đầu tiên

Nguyễn Linh LDO | 24/06/2023 06:56

Khi công nghệ 4.0 ngày càng phát triển thì việc đọc sách luôn là nét văn hóa cần được lưu giữ.

Nhà đọc sách cộng đồng

Chỉ với 45 m2 với khoảng 200 đầu sách nhưng nhà đọc sách cộng đồng An Bình (Đà Nẵng) luôn là điểm đến của các bạn nhỏ trong dịp hè này.

Ở đây có hầu hết các thể loại sách từ truyện tranh, truyện cổ tích đến sách khoa giáo, tiểu thuyết... cho tất cả mọi người. Đa số là sách từ gia đình và bạn bè, cũng có một vài cuốn sách của những người yêu sách gửi tặng.

“So với việc xem điện thoại, tivi, sử dụng mạng xã hội thì đọc sách mang lại hiệu quả tích cực trong rèn luyện tư duy và tính cách của mọi người. Một người đọc sách nhiều sẽ nuôi dưỡng cơ thể và tâm hồn ngày càng hạnh phúc, trí tuệ và bao dung hơn” - chị Lê Thị Mai bộc bạch.

Là một người yêu sách, chị Mai và chồng của mình hiểu được vai trò to lớn của việc đọc sách. Theo chị Lê Thị Mai, mỗi cuốn sách là một người thầy, ẩn chứa nhiều bài học hay.

“Để khuyến khích người khác đọc sách thì trước hết mình phải đọc, phải là một tấm gương để họ thấy đó mà noi theo. Có thể mỗi ngày họ đọc một ít nhưng dần dần sẽ hình thành thói quen và gieo vào lòng họ một tình yêu với sách”, chị Mai nói về ý tưởng thành lập nên nhà đọc sách cộng đồng An Bình.

Là một “khách quen” của nhà đọc sách An Bình, em Mỹ Linh thường xuyên lui tới để tha hồ đọc truyện.

“Ở đây rất mát mẻ, lại yên tĩnh, cô Mai cũng thường xuyên tìm các loại truyện, sách, thiếu nhi để chúng em thoải mái đọc. Ba mẹ cũng rất muốn em đến đây để đọc sách” - em Mỹ Linh nói.
Không riêng em Mỹ Linh được ba mẹ khuyến khích thường xuyên đến nhà đọc sách An Bình mà rất nhiều các em nhỏ cũng được ba mẹ đưa đón đến đây để đọc sách, trò chuyện trong dịp hè này.

“Không mong gì to lớn, mình chỉ mong rằng mọi người hãy xem nhà đọc sách này như nhà của mình để dễ dàng tiếp cận với sách hơn. Đây cũng là niềm cảm hứng để ngày càng có nhiều người lựa chọn đọc sách trong thời gian rảnh của mình” - chị Mai nói.

Thư viện tư nhân đầu tiên của Đà Nẵng

Tại Đà Nẵng, mỗi năm ngày hội đọc sách luôn được coi trọng, hầu hết các thư viện, trường học đều tổ chức các hoạt động, chương trình như ngày hội văn hóa đọc, chuyến xe thư viện lưu động... để khuyến khích việc đọc sách.

Vì vậy những nhà đọc sách cộng đồng như của chị Lê Thị Mai chính là những bước đầu tiên hình thành nên văn hóa đọc trong cộng đồng. Suốt một năm qua, Olive Galley là một thư viện tư nhân đầu tiên tại Đà Nẵng rất được nhiều bạn trẻ quan tâm.

Olive Galley là thư viện thuộc sở hữu của con trai cố nhà thơ Hoàng Minh Nhân. Đây không chỉ là nơi đọc sách, nghiên cứu tài liệu của học sinh, sinh viên mà còn là nơi thư giãn tìm hiểu nghệ thuật của tất cả mọi người khi đến đây.

Không những vậy, thời gian gần đây, có rất nhiều bạn trẻ tại Đà Nẵng tìm đến đây để chụp hình, check-in, sống ảo… đây là địa điểm đáp ứng đầy đủ nhu cầu thư giãn của mọi người.

Với kết cấu 2 tầng, thư viện Olive Galley được bố trí hơn 10.000 đầu sách và rất nhiều các tác phẩm thơ và tranh nghệ thuật, có thể nói đây là địa điểm nóng của sinh viên cũng như những người ưa thích nghệ thuật.

Anh Hữu Nghĩa thường dành thời gian rảnh để đọc sách tại đây tâm sự: “Tôi thích nhất là đọc các loại tiểu thuyết ở đây. Tôi nghĩ nếu có thời gian thì các bạn trẻ nên đến đây hàng tuần để đọc sách, tìm hiểu thông tin.

Đọc sách cũng là một cách rèn luyện tính kiên nhẫn cho bản thân, trong thời đại công nghệ số hiện nay chúng ta càng nên dành nhiều thời gian hơn cho việc đọc sách, thứ nhất để bảo vệ mắt, thứ hai là tiếp thu nhiều nguồn kiến thức không có trên internet”.

Đặc biệt ấn tượng nhất chính là tuyển tập những trang thơ của cố nhà thơ Hoàng Minh Nhân được con trai ông cất giữ và trưng bày cẩn thận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn