MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ nhiều thế kỷ trước, người Cơ Tu đã từng phong tỏa làng để phòng dịch bệnh. Ảnh minh họa: T.Hải

Từ nhiều thế kỷ trước, người Cơ Tu đã phong tỏa làng để chống dịch bệnh

Thanh Hải LDO | 23/08/2021 21:21

Phong tỏa cứng cả ngôi làng với nguyên tắc "nội bất xuất, ngoại bất nhập", "Ai ở đâu, ở yên đấy" mà một trong những biện pháp phòng chống bệnh dịch mà người dân tộc thiểu số Cơ Tu ở trung Trường Sơn đã từng áp dụng từ nhiều thế kỷ trước...

Từ 14.8, Đà Nẵng thực hiện quyết định 2788, phong tỏa cứng toàn thành phố trong 10 ngày theo nguyên tắc "nội bất xuất, ngoại bất nhập", "ai ở đâu, ở yên đấy" để phòng chống COVID-19. Đây là biện pháp mạnh nhất, khác biệt so cả nước, được cho là chưa tiền lệ.

Tuy vậy, thực tế trong lịch sử, ở vùng đất này đã từng có biện pháp phong tỏa cứng cả cộng đồng để phòng dịch bệnh tương tự cách làm của Đà Nẵng bây giờ.

Trong tác phẩm "Những kẻ săn máu" của Jean Le Pichon - một quan ba, người Pháp từng đồn trú tại Quảng Nam (1890, thế kỷ 19)- đăng trên tạp chí "Những người bạn Huế" năm 1938 có miêu tả chi tiết về tập tục kiêng kị khi có dịch bệnh của làng người Cơ Tu ở trung Trường Sơn.

Theo Le Pichon, kiêng là một trong những tập tục trở thành nét văn hóa quan trọng nhất trong đời sống của người Cơ Tu. Khi có kiêng kị, tức làng sẽ thực hiện việc "nội bất xuất, ngoại bất nhập", dân chúng không được đi ra khỏi làng với bất kỳ lý do nào, người lạ cũng tuyệt đối không được vào làng.

Một trong những dấu hiệu về lễ tục của người Cơ Tu cắm ở đầu làng. Ảnh: Thanh Hải

Người Cơ Tu làm "dấu kiêng" bằng cách cắm một cành cây ở các lối mòn ra vào làng. Những tục kiêng kị chính: Nhà có người sinh nở, kiêng 3 ngày. Trước khi làng có việc quan trọng, như thu hoạch, kiêng 1 ngày. Khi có lễ hội mùa xuân, gieo hạt, hội mùa... kiêng 3 ngày. Trước cuộc đi săn máu, làng kiêng 1 ngày.

Nhưng khi có cái chết dữ, hoặc bệnh tật, làng kiêng từ 1 đến 6 tháng. Nếu nghiêm trọng, không chỉ kiêng mà người dân còn bỏ làng sau khi giết sạch súc vật để vào sống trong rừng, trên cây, trước khi chọn vùng đất khác, lập làng mới...

Chính vì tự "cô lập", phong tỏa cứng nên những người Cơ Tu đã cắt được dịch bệnh lây lan, bảo vệ nhân dân trong điều kiện không có thuốc men, y tế hiện đại như bây giờ.

Giờ đây, trước dịch bệnh COVID-19, nhiều địa phương cả nước cũng lập phòng tuyến bằng cách giăng dây, dựng rào thép gai, cô lập từng khu dân cư, tổ dân phố... hay phong tỏa cứng toàn thành phố 10 ngày như Đà Nẵng, dù bây giờ điều kiện kinh tế, y học đã phát triển rất nhiều so với hàng trăm năm trước. Dịch bệnh chưa bao giờ dễ đối phó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn