MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người Dao Thanh Phán quan niệm: Nếu người phụ nữ không biết tự tay thêu thùa, không mặc trang phục của dân tộc mình khi chết sẽ không được đi theo tổ tiên. Ảnh: Đoàn Hưng

Tự tay thêu trang phục phụ nữ Dao Thanh Phán

Đoàn Hưng LDO | 18/01/2023 08:30

Quảng Ninh – Với những người phụ nữ Dao Thanh Phán ở xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, câu lạc bộ thêu không chỉ là nơi để giao lưu, gặp gỡ sau những ngày đồng áng vất vả mà còn giúp họ tìm về, gìn giữ những trầm tích văn hóa bao đời của dân tộc mình.

Nghề thêu – vốn văn hóa quý của người Dao Thanh Phán

Trong trí nhớ của các cụ cao niên sinh sống trên địa bàn, không ai biết nghề thêu trang phục truyền thống có từ bao giờ, song người Dao Thanh Phán quan niệm: Nếu như người phụ nữ không biết tự tay thêu thùa, không mặc trang phục của dân tộc mình khi chết sẽ không được đi theo tổ tiên. Thế hệ sau học kinh nghiệm thế hệ trước, các họa tiết thêu của người Dao Thanh Phán không theo mẫu được vẽ sẵn, mà được truyền khẩu.

Câu lạc bộ thêu duy trì hoạt động mỗi tháng 1 lần. Ảnh: Đoàn Hưng

Với quan niệm, khi mặc trên mình bộ áo sặc sỡ sẽ khiến cho các loài thú dữ nếu nhìn thấy sẽ tránh xa, không làm hại đến con người nên màu sắc chủ đạo được phụ nữ Dao Thanh Phán lựa chọn là các màu xanh, đỏ, vàng, trắng, kết hợp thêu trên nền vải màu đen, tượng trưng cho ngũ hành: Kim – vàng, Mộc – đen, Thủy – trắng, Hỏa – xanh, Thổ - đỏ.

Phụ nữ Dao Thanh Phán lựa chọn các màu xanh, đỏ, vàng, trắng, kết hợp thêu trên nền vải màu đen, tượng trưng cho ngũ hành. Ảnh: Đoàn Hưng

Nhưng các họa tiết thêu trên áo quần của người con gái Dao Thanh Phán thường rất đơn giản nhưng tinh tế. Đó là hoạ tiết về các loại cỏ cây, hoa lá, hình cày, bừa, cánh chim, ruộng bậc thang... Những họa tiết được lặp lại và có quy ước về sự sắp xếp, thể hiện nét văn hóa riêng biệt. Bên trong những họa tiết hoa văn đó là cả kho tàng câu chuyện liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Dao, đồng thời, thể hiện nét sinh hoạt trong đời sống hằng ngày, ước vọng về một cuộc sống ấm no, phồn thịnh, hạnh phúc viên mãn.

Nơi gìn giữ tinh hoa nghề thêu của người Dao Thanh Phán

Trải qua bao thăng trầm biến cố của thời gian và lịch sử, những ảnh hưởng của giao thoa văn hóa và đời sống hiện đại, đã có lúc nghề thêu thùa của phụ nữ Dao Thanh Phán ở Đồn Đạc có phần bị mai một.

Các sản phẩm thêu chủ yếu là thêu ống quần, tay áo, thêu đai, thêu nón đội đầu, mũ trẻ con. Ảnh: Đoàn Hưng

Để gìn giữ vốn quý văn hóa dân tộc mình, ngày 8.3.2018, câu lạc bộ thêu thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc được thành lập. Bà Triệu Kim Thành, Chủ nhiệm câu lạc bộ thêu thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc cho biết: “Câu lạc bộ có 24 thành viên, người già dạy cho người trẻ cách thêu. Những bộ trang phục có hoa văn thêu như vậy rất quan trọng đối với người Dao, con gái tối thiểu phải có 4 bộ, nam giới tối thiểu phải có 2 bộ để thực hiện các nghi lễ cưới, lễ cấp sắc.  Đến nay, các thành viên câu lạc bộ ai cũng biết thêu, mỗi tháng họp nhau một lần”.

Bà Triệu Kim Thành, Chủ nhiệm câu lạc bộ thêu thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh

“Các sản phẩm thêu chủ yếu là thêu ống quần, tay áo, thêu đai, thêu nón đội đầu, mũ trẻ con. Thường để thêu một bộ trang phục phụ nữ Dao trong lễ cưới cũng phải mất một tháng. Bởi theo phong tục, người con gái Dao trước khi lấy chồng phải biết thêu thùa, may vá để chuẩn bị trang phục ngày cưới cho bản thân. Bên cạnh đó, nam giới người Dao chọn vợ bằng cách nhìn vào đường kim, mũi chỉ trên trang phục để nhận biết được người con gái đó có khéo léo, đảm đang hay không" - bà Thành cho biết thêm.

Trang phục phụ nữ Dao Thanh Phán tại phiên Chợ Tết vùng cao huyện Ba Chẽ 2023. Ảnh: Trung tâm TTVH Ba Chẽ

Ông Hà Ngọc Tùng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) cho biết: “Hiện trên địa bàn huyện đã thành lập 5 câu lạc bộ thêu, trong đó 2 câu lạc bộ là của người Dao Thanh Phán. Quan điểm chỉ đạo chung của địa phương ngay từ khi mở các CLB với mục đích để thu hút kết nạp đông thành viên. Những bà, những chị biết thêu, ngoài giờ làm việc nhà ra thì hướng dẫn cho con cháu mình thêu. Bên cạnh đó, dạy thêu còn là một trong các hoạt động ngoại khóa của các trường học trên địa bàn.” 

Nhờ những câu lạc bộ thêu như ở thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc mà người phụ nữ Dao Thanh Phán ngày nay vẫn giữ được nghề thêu trang phục truyền thống của dân tộc mình. Có dịp đến với bản làng của người Dao những ngày này, chỉ cần ngắm nhìn những bộ trang phục sặc sỡ, sống động, hòa vào trong không khí của ngày cuối năm mới thấy Tết đã đến, mùa xuân đã gõ cửa thật rồi.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn