MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các NTK Việt lên tiếng về việc áo dài nam luôn gây tranh cãi. Ảnh: NSCC.

Từ việc áo dài nam luôn gây tranh cãi, các nhà thiết kế Việt nói gì?

ĐÔNG DU LDO | 21/08/2022 17:55
Các nhà thiết kế (NTK) áo dài nổi tiếng như Trịnh Hoàng Diệu (em gái Trịnh Công Sơn), Tạ Linh Nhân, Minh Châu... đều đưa ra những lý giải về nguyên nhân cho rằng áo dài nam luôn là điều gây tranh cãi mỗi khi được nhắc đến.

Theo các NTK áo dài nổi tiếng của Việt Nam, áo dài không chỉ dừng lại ở vai trò là một sản phẩm thời trang thông thường mà áo dài đã đạt đến vai trò quan trọng hơn, đó là một sản phẩm văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc, là chiếc áo gói trọn tâm hồn và cốt cách con người Việt.

Trước việc áo dài nam luôn là đề tài gây tranh cãi, nhiều NTK Việt đã đưa ra các lý giải.  NTK Tạ Linh Nhân - người có nhiều năm thiết kế, gắn bó với áo dài Việt cho biết: "Dần theo sự phát triển của thời trang, rõ ràng những doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc, các NTK, các nhà may phần lớn tập trung vào làm mới cho trang phục của phụ nữ, trong đó có áo dài. Thế nên sự thay đổi, mới mẻ của áo dài nữ ngày càng hiện đại hơn, phù hợp và thời trang hơn, do vậy áo dài nữ được ứng dụng nhiều hơn trong cuộc sống. Ngược lại, sự chú trọng dành cho áo dài nam gần như bỏ ngỏ.

Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp, NTK, nhà may đã bắt đầu có xu hướng quan tâm dần đến áo dài nam bằng cách tân áo dài truyền thống để tạo sự thu hút hơn. Tuy nhiên từng đấy vẫn là chưa đủ vì chưa dẫn dắt được người mặc do sự cách tân hầu như chưa “đánh” đúng vào nhu cầu. Cầu kì hoá, loè loẹt, phong cách “vay mượn” là những gì chúng ta thấy nhiều nhất của áo dài nam ở thời điểm hiện tại. Sự cách tân là có nhưng chưa thoả mãn được người tiêu dùng.

Còn những mẫu áo dài truyền thống ngũ thân, khăn xếp lại tạo ra cái nhìn định kiến “phảng phất” về xã hội phong kiến cổ hủ. Vì lẽ đó mà áo dài nam chưa có được chỗ đứng với nam giới Việt Nam trong xã hội hiện nay".

NTK Tạ Linh Nhân. Ảnh: NSCC

Theo NTK Trịnh Hoàng Diệu khẳng định áo dài nam rất đẹp và cần gìn giữ, bà nói: "Trước hết phải khẳng định áo dài nam rất đẹp. Những người cho rằng áo dài nam không đẹp là vì họ không hiểu gì về áo dài, và có thể họ quen mắt với âu phục nên trái mắt khi nhìn đàn ông mặc áo dài.

Vậy xin hỏi, trước khi có quần tây, chemise thì đàn ông Việt mặc gì nếu không phải là áo dài. Từ xa xưa, đàn ông Việt mặc áo dài, tùy theo hoạt động để mặc áo dài nào cho phù hợp. Người sang, người làm quan mặc loại vải đắt tiền, người thường dân mặc loại vải bình dân. Nhưng đàn ông vẫn mặc áo dài đi làm, “làm thơ và đánh giặc” đều mặc áo dài, đó là cách nói khái quát nhất.

Đến đầu thế kỷ 20, nam sinh của nhiều trường học vẫn mặc áo the, đi guốc đến trường. Cho nên, câu hát “về đây nghe em, mặc áo the, đi guốc mộc” không chỉ dành cho nữ mà cả nam nữa".

NTK Trịnh Hoàng Diệu. Ảnh: NSCC.

Trong đó, NTK áo dài Minh Châu bày tỏ: "Nhắc đến áo dài Việt Nam, người ta nghĩ ngay đến hình ảnh duyên dáng, nhẹ nhàng của người phụ nữ Việt Nam mà ít ai nhớ rằng bộ “áo dài, khăn đóng” cũng từng là trang phục truyền thống, đặc trưng của đàn ông Việt. Thế hệ cha ông tôi vẫn mặc bộ lễ phục là áo dài và quấn khăn. Nhưng theo thời gian, áo dài nam mất dần, mất dần..., chỉ còn sót lại rất ít trong những cuộc biểu diễn hay những ngày lễ trọng đại với một số người".

NTK Minh Châu hi vọng chúng ta sẽ có quan điểm cởi mở hơn và áo dài nam được sử dụng rộng rãi, không thua áo dài nữ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn