MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phim "Chị chị em em 2" bị quay lén. Ảnh: Chụp màn hình, đoàn phim.

Từ vụ phim Tết Chị chị em em 2 bị quay lén đưa lên Tiktok: Xử lý ra sao?

DI PY LDO | 25/01/2023 14:00
Việc đạo diễn Vũ Ngọc Đãng của phim Tết "Chị chị em em 2" tố bị các cá nhân quay lén nhiều phân cảnh phim đăng lên Tiktok gây bức xúc dư luận. Hành vì này bị xử lý ra sao?

Liên tiếp những vụ quay lén trái phép

Trong dịp phim Tết 2023, chỉ có 2 tác phẩm Việt Nam công chiếu tại các cụm rạp. Ngoài "Nhà bà Nữ" thì "Chị chị em em 2" của Vũ Ngọc Đãng cũng là bộ phim được khán giả chú ý.

Theo công bố từ Box Office Vietnam, phim thu về hơn 23 tỉ đồng (tính đến trưa 25.1, tức mùng 4 Tết).

Như vậy trung bình mỗi ngày phim thu khoảng 6 tỉ đồng. Đây là thành tích khá tốt của một phim Việt chiếu Tết.

Tuy nhiên, mới đây, Vũ Ngọc Đãng bức xúc vì bị một số tài khoản TikTok đăng tải một số video clip quay trong rạp phim, tiết lộ một phần nội dung phim "Chị chị em em 2". Theo nam đạo diễn, điều này gây ảnh hưởng đến doanh thu phim vì bị lộ nhiều tình tiết quan trọng.

Cụ thể, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng chia sẻ: "Quay lén, phát tán phim chiếu rạp lên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật.

Đây không phải lần đầu tiên phim tôi đạo diễn bị phát tán trái phép trên mạng. Hiện tại, bộ phim "Chị chị em em 2" cũng đang trở thành nạn nhân của các Tiktoker thèm khát view. Kỳ lạ là tất cả các nick đều mới lập. Và mỗi ngày có nhiều nick mới lập ra chỉ để leak (làm lộ) phim.

Đây là hành vi không thể chấp nhận được. Việc này không chỉ tổn hại đến doanh thu mà còn giết chết giá trị nghệ thuật của bộ phim".

Diễn viên Minh Hằng cũng đăng dòng trạng thái bức xúc với vấn nạn này. 

Trước đây, nhiều phim cũng gặp tình trạng tương tự. Mùa Tết 2021, phim "Bố già" của Trấn Thành - Vũ Ngọc Đãng bị một tài khoản Tiktok quay lén đoạn kết, tung lên mạng. Đoạn clip dài 55 giây, tiết lộ tình tiết quan trọng, tạo nên kịch tính của phim.

Phim "Gái già lắm chiêu 2" của đạo diễn Bảo Nhân - Nam Cito (ra mắt năm 2019), "Cô ba Sài Gòn" của Ngô Thanh Vân (ra mắt năm 2017), Em chưa 18 (ra mắt năm 2017)... từng bị livestream, quay video phát tán trên mạng xã hội. Phần lớn các trường hợp này đều bị buộc xóa video vi phạm.

Ngô Thanh Vân đã nhờ cơ quan chức năng xử lý vụ việc, lúc đó, một thanh niên 17 tuổi sống tại Bà Rịa - Vũng Tàu bị phạt 15 triệu đồng.

Nhiều phân cảnh phim bị phát tán lên mạng. Ảnh: Chụp màn hình.

Xử lý ra sao?

Luật sư Trần Minh - Văn phòng luật sư L&P, TPHCM cho rằng, việc phát tán phim trái phép đưa lên Tiktok sẽ giúp các cá nhân thu được lợi nhuận không nhỏ. Bởi các phim như "Chị chị em em 2" đang là phim Tết thu hút khán giả. Vì thế, sẽ có nhiều người xem, theo dõi các kênh.

Từ đó, các cá nhân có lượng theo dõi nhất định sẽ bán kênh để kiếm tiền hoặc quay clip quảng cáo thu lợi nhuận.

Cũng theo luật sư Minh, hiện các hình thức xử phạt việc phát tán phim trái phép của các nhà sản xuất Việt Nam khá nhẹ, chỉ dừng ở mức răn đe, cảnh cáo và kèm theo bản cam kết “không được tái phạm”. Điều này khiến các đối tượng xấu tiếp tục vi phạm.

Luật sư Minh phân tích, vụ việc quay lén phim đưa lên mạng xã hội TikTok mà không có sự đồng ý thì có dấu hiệu của việc xâm phạm quyền tác giả được quy định tại điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ.

Cụ thể, đây là hành vi "truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả" (khoản 10, điều 28 Luật SHTT).

Đối với hành vi "truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả", theo điều 17 Nghị định 131/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, có thể bị phạt tiền từ 15-30 triệu đồng, buộc gỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm.

Với hành vi "sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả", hành vi này có thể bị phạt tiền từ 15-35 triệu đồng, buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.

Chủ sở hữu bộ phim cũng có quyền yêu cầu tòa án buộc người vi phạm bồi thường nhưng phải chứng minh thiệt hại thực tế đã xảy ra và nêu căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại này.

Theo điều 225 BLHS năm 2015 (tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, có hiệu lực từ 1.1.2018), hành vi vi phạm thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn