MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội sách Youth NEU thu hút hơn 10.000 lượt tham gia đầu tháng 4. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ươm mầm văn hóa đọc từ tình yêu sách

Vân Anh LDO | 10/04/2023 06:00

Phát triển văn hóa đọc luôn có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển trí thức, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Để hình thành, phát triển văn hóa đọc cần được “ươm mầm” từ mỗi gia đình, tạo môi trường để nuôi dưỡng thói quen đọc sách.

“Ươm mầm” tình yêu sách

Trong một con ngõ sâu, lắt léo trên đường Kim Mã, TP Hà Nội, nhà sách Mia Start là không gian xinh xắn đồng hành cùng biết bao bạn nhỏ lớn lên với tình yêu sách.

“Ý tưởng phát triển nhà sách bắt nguồn từ chính gia đình mình. Chính vì thế mà mình luôn ấp ủ thành lập một nhà sách miễn phí, đặc biệt là có một không gian đọc sách lý tưởng cho trẻ nhỏ” - anh Nguyễn Thành Trung - chủ nhà sách Mia Start chia sẻ.

Không gian của anh Trung có đến hơn 2.000 đầu sách với nhiều ngôn ngữ, được anh sưu tầm và tìm mua trong những hành trình đi qua hơn 50 quốc gia của mình. Thường xuyên đưa con đến đây, chị Bùi Thúy Hằng - quận Tây Hồ, TP Hà Nội - bày tỏ mong muốn mô hình nhà sách có đủ những đầu sách chất lượng, có không gian yên tĩnh như vậy nên được mở rộng hơn nữa và nhiều người biết đến hơn.

Câu lạc bộ Tủ sách sống của các bạn sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đang từng ngày nỗ lực thực hiện sứ mệnh lan tỏa văn hóa đọc đến với thế hệ sinh viên nói riêng và cộng đồng nói chung với nhiều hoạt động tích cực.

Mới nhất, đầu tháng 4 Hội sách Youth NEU vừa được các bạn sinh viên tổ chức thành công khi tiếp cận hàng chục nghìn học sinh, sinh viên và thu thút hơn 10.000 lượt tham gia trong 5 ngày diễn ra Hội sách. Đến với hội sách, người tham gia có thể trao đổi và tiếp cận những đầu sách, sách quý.

Hà Anh - Chủ nhiệm Câu lạc Tủ sách sống - tâm sự: “Em hi vọng với những sự kiện dù chỉ với quy mô sinh viên của chúng em đã phần nào góp sức trong hành trình thực hiện sứ mệnh lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng, đồng thời tạo cầu nối để gắn kết những người yêu sách từ đó cùng nhau lan tỏa tình yêu sách, lan tỏa văn hóa đọc rộng rãi và hiệu quả hơn nữa”.

Xây dựng văn hóa đọc trong mỗi gia đình

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có những chính sách khuyến khích phát triển mô hình, không gian văn hóa đọc sáng tạo để thu hút người đọc tham gia, đặc biệt là xây dựng những cơ chế để phù hợp với điều kiện ở các cơ quan, tổ chức và địa phương. 

Để khẳng định tầm quan trọng, sự cần thiết của văn hóa đọc, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam đã xác định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; thực hiện hoạt động khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi, xây dựng thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức và cộng đồng; đồng thời phát hiện, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển sách và văn hóa đọc trong cộng đồng.

Bà Kiều Thúy Nga - Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) - bày tỏ kì vọng khi hoạt động phát triển văn hóa đọc không chỉ còn nói vĩ mô như không gian đọc sách công cộng, hay phát triển hệ thống thư viện mà là phát triển văn hóa đọc phải từ nguồn cội là gia đình. Từ đó, góp phần lan tỏa mạnh mẽ và phát triển hiệu quả hơn nữa văn hóa đọc, gắn kết tinh thần đọc sách, xây dựng thói quen đọc sách cũng như giáo dục đạo đức lối sống, xây dựng văn hóa đọc trong gia đình, có thể gắn kết yêu thương trở thành gia đình có văn hóa đọc.

Các chuyên gia cho rằng, để công chúng yêu sách và yêu thích đọc sách, bản thân các nhà xuất bản cũng cần khắt khe hơn, có chọn lọc hơn trong khâu lựa chọn tác phẩm xuất bản, làm sao để công chúng tiếp cận được nhiều tác phẩm hay...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn