MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thể khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TPHCM.

Vẫn cần có nhà hát xứng tầm

MINH THI LDO | 10/10/2018 08:18
Ngày 8.10, Hội đồng Nhân dân TPHCM thông qua dự án xây nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch tại Thủ Thiêm, mở ra một hy vọng mới cho nhà hát vốn không trụ sở suốt hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, dư luận vẫn tranh cãi gay gắt chuyện nên hay không nên xây “nhà hát ngàn tỉ”...

Dù việc xây nhà hát đã nằm trong kế hoạch của TP.Hồ Chí Minh từ lâu, nhưng dư luận nhiều người vẫn lên tiếng phản đối “nhà hát nghìn tỉ” và cho là lãng phí, trong khi nhiều công trình khác cần xây hơn như trường học, bệnh viện… Thậm chí, có ý kiến cho rằng liệu nhà hát xây xong không đúng công năng, có khi lại bỏ đó “trùm mền”... Chuyện xây nhà hát xứng tầm không còn là câu chuyện văn hóa mà còn là vấn đề về tầm nhìn và lòng tin.

Câu chuyện tầm nhìn

Tầm nhìn xa hướng đến một Thủ Thiêm có quần thể công trình văn hóa - kiến trúc đặc sắc, với nhà hát đẳng cấp quốc tế là nơi có thể đón những dàn nhạc nổi tiếng thế giới đến trình diễn. Hiện nay, theo các chuyên gia, cả TPHCM trên 12 triệu dân nhưng không có nhà hát nào đúng nghĩa đạt chuẩn. Nhà hát TP thì diện tích nhỏ, sức chứa 400 chỗ, không đủ sân khấu để chứa một dàn nhạc biểu diễn trực tiếp. Các nhà hát khác đều xuống cấp và xây theo kiểu vá víu không đảm bảo hệ thống âm thanh, ánh sáng và cả về kiến trúc.

PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia quy hoạch đô thị, phân tích: TPHCM cần một nhà hát đúng nghĩa, xứng tầm. Thậm chí, tiền xây nhà hát đã có rồi, chứ không phải huy động tiền của trong dân hay phải lấy tiền từ ngân sách. Hơn thế nữa, trang thiết bị, máy móc, các loại nhạc cụ mua phục vụ nhà hát hơn chục năm nay toàn phải gửi ở địa điểm khác, khó bảo đảm quy trình bảo quản đúng chuẩn. Ngoài ra, cùng với việc khách du lịch tăng lên, đặc biệt là du khách nước ngoài, thì nhu cầu của thành phố về một nhà hát giao hưởng là cần phải có.

“Chuyện dư luận lên tiếng phản đối hay thậm chí, chỉ trích cũng nên rạch ròi và so sánh thì rất khó. Chẳng hạn, trong nhà người cha bảo con cái đói quá nên không mua tivi - hai chuyện hoàn toàn khách nhau, chuyện nào phải làm thì cứ làm thôi. Còn nói chuyện một bên xây nhà hát, một bên người dân bị mất đất ở Thủ Thiêm, rõ ràng cả hai phạm trù dường như không dính dáng đến nhau. Chuyện xây nhà hát đã có trong quy hoạch cùng với nhà triển lãm, nhà hát giao hưởng, bảo tàng… Khi lên kế hoach, nhà đầu tư đã phải tìm cách để thu hút dân cư, đất để trống hoài chưa chắc đã tốt. Thế nên mặc dư luận nói gì thì nói, nhà hát vẫn là dự án cần làm ngay” - PGS-TS Hòa nhấn mạnh.

Lấy lại lòng tin của dân

Sở dĩ có nhiều người phản đối như vậy là do trước đây, ở TP có nhà hát cải lương Trần Hững Trang 132 tỉ đồng xây lên rồi… không ai dám nghiệm thu vì sai lệch công năng. Đến nay, người ta còn dự định xây thêm nhà hát cải lương khác vì không thể sửa nhà hát kia để đưa vào biểu diễn được.

Không riêng gì nhà hát, hiện tại ở Thủ Thiêm đang có các công trình được triển khai như Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia Rạch Chiếc, Khu trung tâm hội nghị, khách sạn cao cấp… Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM, tổng vốn đầu tư của dự án Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia Rạch Chiếc khoảng 34.000 tỉ đồng. Nhưng hiện tại, dư luận chỉ tập trung vào chỉ trích việc xây Nhà hát giao hưởng vì con số 1.500 tỉ đồng.

Nhiều ý kiến lo ngại rằng nhà hát sẽ không thu hút người xem, vì âm nhạc hàn lâm vốn kén khách, hơn nữa vị trí không ở trung tâm, liệu xây lên có dùng hết công năng trong khi nên làm trường học, bệnh viện, nâng cấp giao thông, những công trình cần làm ngay trước mắt. Song nếu không làm ngay, có thể sau này, đất xây nhà hát không còn nữa, nhường chỗ cho các cao ốc thì lúc đó sẽ ra sao?

Vấn đề là cần phải làm nhà hát giao hưởng, không nên để chậm trễ song cũng cần giám sát chất lượng để nhà hát xây xong xứng tầm, lấy lại lòng tin của dân.

“Năm 2002-2003, Ban Quản lý dự án Đô thị mới Thủ Thiêm trình bày với Giám đốc Sở VHTT một dự án tuyệt vời, với quần thể văn hóa gồm bảo tàng, quảng trường, nhà hát đặc trưng của thành phố… Vì quá mê, chúng tôi ủng hộ dự án này. Chúng ta không thể cứ tập trung xây dựng ở đô thị cũ quá chật chội này mà phải giữ nguyên thành đô thị di sản rồi chuyển dần sang đô thị mới đạt chuẩn. Rất tiếc, sau một thời gian dài, người ta chia nát Thủ Thiêm vì lợi ích khác nhau mà giờ đang có câu chuyện hôm nay và không coi trọng quần thể văn hóa ấy nữa” - bà Nguyễn Thế Thanh - nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin TPHCM chia sẻ.

“TPHCM về mặt văn hóa nghệ thuật rất mờ nhạt. Cần phải có âm nhạc đỉnh cao. Thành phố với 12 triệu dân thì chục nhà hát vẫn còn thiếu, miễn là nhà hát thu hút người dân. Các nước khác muốn mua vé nhà hát giao hưởng phải mất cả 2 năm, thế nên cố gắng làm để cho bằng người ta, không bằng nhiều thì cũng bằng ít”. PGS-TS Nguyễn Minh Hòa

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn