MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bìa báo Lao Động Tết năm 1982 do nhạc sĩ Văn Cao vẽ. Ảnh: Huyền Chi

Văn Cao vẽ ít nhưng tranh rất mới, rất trẻ

HUYỀN CHI LDO | 15/11/2023 07:18

Văn Cao thành công nhất với âm nhạc nhưng ông cũng để lại cho đời nhiều tác phẩm hội họa giá trị.

Một tâm hồn hội họa rất trẻ

Năm 1942, nghe theo lời khuyên của nhạc sĩ Phạm Duy, một ca sĩ và cũng là người bạn thân, Văn Cao lên Hà Nội để theo học dự thính tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Tuy chỉ học trong khoảng thời gian 2 năm với tư cách tự do, ông thể hiện rõ tài năng trong hội họa lập thể.

Năm 1943, khi mới 20 tuổi, Văn Cao đã gây chú ý trong giới mỹ thuật đương thời bằng một số tác phẩm như “Cô gái dậy thì”, “Thái Hà ấp đêm mưa”. Đặc biệt, bức họa sơn dầu “Cuộc khiêu vũ của những người tự tử” (Le Bal aux Suicidés) đã làm giới mỹ thuật ngạc nhiên về bút pháp và màu sắc. Sự nghiệp hội họa của Văn Cao chỉ có vài tác phẩm sơn dầu nhưng được đánh giá ngang những họa sĩ chuyên nghiệp.

Họa sĩ Tạ Tỵ từng nhận định: “Vào những năm 1960, Văn Cao đã mở ra hướng thẩm mỹ mới cho minh họa và đồ họa”.

Năm 1951, Văn Cao vẽ bức tranh “Lớn lên trong kháng chiến”. 10 năm sau, ông vẽ chân dung người vợ của mình - bà Nghiêm Thúy Băng. Đến năm 1971, ông vẽ chân dung của ông Lâm và đến những năm 80, ông vẽ một số tranh sơn dầu về người H’Mông. Như vậy, cứ khoảng 10 năm, Văn Cao lại cho ra đời một vài tác phẩm hội họa thuần túy.

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng khẳng định, từ trước đến nay giới nghệ thuật chưa biết cái gì về Văn Cao thì đó cũng là một thiếu sót. Với những người trong giới mỹ thuật, Văn Cao là một nhạc sĩ hơn là một họa sĩ.

“Số lượng tranh của Văn Cao khá ít, thế nhưng tranh của ông rất mới, rất trẻ. Tức là ông giữ nguyên mạch sáng tác từ đầu cho đến đuôi vì ông không sáng tác nhiều. Văn Cao khai thác ngôn ngữ lập thể, từ những năm 80 đã có thể thấy rõ tính chất lập thể, đưa không gian 3 chiều về 2 chiều. Còn bức vẽ chân dung bà Thúy Băng lại cho thấy sự kết hợp giữa chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lập thể. Chúng tôi cũng rất ngạc nhiên tại sao một người lớn tuổi, sinh năm 1923, những họa sĩ cùng thời đã già đi rất nhiều nhưng Văn Cao vẫn giữ được một tâm hồn trẻ như thế. Tiếc rằng ông không đi sâu vào hội họa nên tất cả chỉ dừng ở đây” - họa sĩ Phan Cẩm Thượng đánh giá.

Văn Cao với công việc vẽ tranh minh họa

Nhà sưu tầm Nguyễn Bình Phương từng nói, “chưa ai công nhận Văn Cao là họa sĩ, nhưng ông là người xây dựng nên lĩnh vực minh họa sách ở Việt Nam”.

Văn Cao bắt đầu vẽ minh họa trên báo với những tác phẩm tối giản, gửi gắm thông điệp nhân văn, niềm hy vọng trong thời kỳ chiến tranh. Sau này, ông minh họa cho gần 300 cuốn sách. Tờ báo đầu tiên ông minh họa là tờ Độc lập của Dân chủ đảng Việt Nam, vừa minh họa vừa phụ trách trang văn nghệ. Cuối tháng 12.1945, Văn Cao chuyển sang Báo Lao Động và bắt đầu minh họa cho tờ báo này.

Ngoài ra, ông từng là họa sĩ cho nhiều tờ báo như Quân Bạch Đằng và Gió biển ở Hải Phòng, báo Văn nghệ...

Theo họa sĩ Phan Cẩm Thượng, các họa sĩ thời đó tham gia vẽ tranh minh họa chỉ đơn giản là để “kiếm ăn”. Bởi lẽ, vẽ minh họa có thể kiếm được 1-2 đồng, vẽ bìa sách có giá 3-5 đồng và vẽ trên báo thì nhận được vài hào đến 1-2 đồng.

Báo Văn nghệ là một trong những báo có nhu cầu về tranh minh họa nhiều nhất lúc bấy giờ vì truyện, bút ký nào cũng cần minh họa. Khi ấy, Văn Cao và Bùi Xuân Phái là hai gương mặt được tòa soạn ưu tiên cho nhiều “đất vẽ”. Theo thống kê, Văn Cao đã vẽ hơn 300 bìa sách, với phong cách rất chuyên nghiệp.

“Tôi thấy nhiều nghệ sĩ minh họa họ sơ sài trong việc đọc, rồi họ vẽ theo phong cách của mình. Vì thế tranh minh họa của họ không bám sát câu chuyện mà họ minh họa. Thế nhưng, xem tranh minh họa của Văn Cao là biết ông có học, đọc rất nhiều. Việc đọc những tác phẩm văn học tạo nên kiến thức, giúp tâm hồn của ông trở nên phong phú, giúp cho ông trở thành một người nghệ sĩ thật sự trong cuộc sống, có kiến thức chứ không chỉ đơn thuần là một người sáng tác nhạc hay là một người vẽ tranh. Tôi tiếc rằng Văn Cao không phát triển hội họa, nếu không ông sẽ là một nghệ sĩ tiên phong” - ông Phan Cẩm Thượng nói.

Lối phối màu độc đáo và tính hiện đại cũng là hai đặc điểm trong phong cách minh hoạ tranh của Văn Cao. Màu sắc trong tranh của ông thường có sắc độ vừa phải, mang đến cảm giác hài hòa. Giới chuyên môn khẳng định, thành tựu về mặt đồ họa, thiết kế của Văn Cao có một vị trí rất quan trọng trong ngành minh họa báo chí, vẽ bìa sách. Trong thời kỳ máy móc công nghệ chưa phát triển, Văn Cao đã vẽ bằng tay, thiết kế thủ công nhưng chất lượng không hề thua kém những nhà thiết kế đồ họa thực thụ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn