MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và các Thứ trưởng Bộ VHTTDL chủ trì Hội nghị. Ảnh: Trần Huấn

Văn hóa - chuyển hóa các kế hoạch thành việc làm thiết thực

Mai Hương LDO | 23/12/2022 07:00

Tại Hội nghị Tổng kết công tác Văn hóa Thể thao và Du lịch năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của toàn ngành trong năm 2022, góp phần cùng cả nước vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra.

Có những chuyển biến rất rõ

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những nỗ lực của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong thời gian qua, đặc biệt, thành tích đó được thể hiện qua 10 sự kiện tiêu biểu được bình chọn mới đây. Bên cạnh đó, ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch đã triển khai được các hoạt động cụ thể, nhiều quy mô được triển khai theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa Toàn quốc.

Phó Thủ tướng nhắc lại câu nói của Tổng Bí Thư: “Văn hóa còn dân tộc còn, văn hóa mất dân tộc mất”. Tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc, Tổng Bí thư đã nhắc lại câu nói của một vị tiền bối, đó cũng chính là văn hoá. Chúng ta đi trên con đường xa lộ và nhớ lại những người đã mở đường mòn. Đó cũng là văn hóa.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Chúng ta đã nói rất nhiều về phát triển bền vững. Người ta nói rằng những nước đang phát triển đều mắc căn bệnh chung, tập trung phát triển kinh tế, không để ý đến môi trường, sau đó phải gánh chịu hậu quả mà hàng chục năm sau mới khắc phục được. Xa hơn, nếu chú ý môi trường, không chú ý văn hóa xã hội thì sẽ mất hàng thế hệ, thậm chí sụp đổ. Trong các văn kiện đều lưu ý về việc phát triển hài hòa giữa phát triển kinh tế và văn hóa xã hội”.

Cũng theo Phó Thủ tướng, chúng ta cũng phải thẳng thắn quan tâm, nhìn nhận những vấn đề đã nói rất nhiều lần. Đảng, Nhà nước trong các văn kiện, Nghị quyết đều chú trọng đến phát triển văn hoá, lưu ý phát triển hài hòa giữa văn hóa, xã hội với kinh tế trong từng giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề triển khai thực hiện vẫn còn khoảng cách so với mong muốn trong Nghị quyết của Đảng.

“Văn hoá có những đặc trưng mà ở góc độ nào đó rất khó cho đội ngũ thực hiện. Thứ nhất, đó là quan niệm ngành văn hoá vẫn thường được cho là không làm ra tiền, chỉ tiêu tiền. Thứ hai, làm văn hoá như phù sa bồi đắp dần dần, không phải vấn đề cấp bách, cái tốt nhiều năm mới thấy rõ, cái xấu cũng nhiều năm sau mới bộc lộ, và khi bộc lộ thì phải mất nhiều năm nữa, thậm chí cả thế hệ mới khắc phục được. Khi điều hành, thường thì những vấn đề cấp bách hơn lại được ưu tiên hơn...”, Phó Thủ tướng nêu.

Quan tâm thực sự tới giới văn nghệ sĩ

Bước vào năm 2023, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngành văn hoá cần tiếp tục phát huy tinh thần chịu khó, tỉ mỉ và kiên trì, vốn là đặc tính của ngành. Nhiều chi tiết không thể nhìn thấy bằng mắt, không thể làm chung chung mà phải rất tỉ mỉ, như phù sa bồi đắp hằng ngày, từ thế hệ nọ qua thế hệ kia.

Đặc biệt, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, phải quan tâm thực sự tới giới văn nghệ sĩ. “Vì sao không đặt được hàng sáng tác, trong khi đã có Nghị định về đặt hàng sáng tác, đào tạo Văn học nghệ thuật. Vướng ở đâu? Các văn nghệ sĩ trừ số ít đã trở thành người công chúng, người nổi tiếng, còn lại phần lớn chỉ hào nhoáng trên sân khấu, còn ra bên ngoài, sau cánh gà vô cùng khổ, đời sống bấp bênh, thu nhập thấp.

Chế độ chính sách không thể mãi thế này được. Đào tạo thế hệ trẻ trong các trường nghệ thuật, anh chị em diễn viên tập luyện khổ sở mới có được một tác phẩm…  nhưng chế độ chính sách quá thấp. Đây là vấn đề phải thực sự được quan tâm”, Phó Thủ tướng nói. 

Lãnh đạo Chính phủ cũng chỉ rõ, tinh giản biên chế hành chính rất cần, nhưng tinh giản biên chế các đoàn nghệ thuật thì không thể đơn giản. Khi sáp nhập các đoàn nghệ thuật, sẽ có bao nhiêu đoàn nghệ thuật rồi đây sẽ bị mai một. Tuồng, chèo, cải lương, kịch nói… đều có đặc thù, không thể gộp thành một đoàn. “Nhất thời sẽ không thấy vấn đề gì, nhưng sau 10 năm, chúng ta sẽ thấy rất rõ hậu quả. Vì thế, lĩnh vực này cần nhìn nhận kỹ lưỡng, thấu đáo, không nên một chiều”.

Trong vấn đề  xã hội hoá, theo Phó Thủ tướng, chưa có nhiều cơ chế thuận lợi thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có mong muốn đầu tư cho văn hoá nghệ thuật. 

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng yêu cầu toàn ngành cần chuyển hóa các kế hoạch thành việc làm thiết thực; tiếp tục hoàn thiện chương trình tổng thể về chấn hưng, phát triển văn hoá Việt Nam từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; quan tâm phát triển du lịch trong tình hình mới…

Bên cạnh đó, phát huy hơn nữa vai trò lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp “Chấn hưng văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”, tiếp tục triển khai hiệu quả 6 nhóm nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn