MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vụ 2 giảng viên đại học mâu thuẫn đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa học đường. Ảnh cắt từ video

Văn hóa “tốt khoe, xấu che” của người Việt đang bị mạng xã hội đe dọa

Mi Lan LDO | 18/01/2024 14:21

Mạng xã hội bùng nổ kéo theo muôn vàn hệ lụy khi tất thảy những mâu thuẫn, cãi vã, thậm chí đánh ghen, học sinh đánh cô giáo, hay giảng viên đại học ném điện thoại vào đồng nghiệp... đều được phơi bày.

Góc tối văn hóa học đường bị phơi bày

Vụ mâu thuẫn giữa nhạc sĩ Lưu Thiên Hương và đồng nghiệp ở Nhạc viện TPHCM gây xôn xao dư luận suốt hơn một tuần qua trên khắp các diễn đàn mạng xã hội.

Đến ngày 15.1, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải lên tiếng, yêu cầu xử nghiêm vụ ồn ào này, trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng, hình ảnh giảng viên đại học và Nhạc viện TPHCM bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi hình ảnh 2 cô giáo cãi nhau, ném điện thoại vào đồng nghiệp được đăng tải trên mạng.

Trước khi cho đăng tải lên trang cá nhân đoạn video đồng nghiệp là giảng viên, NSƯT Minh Huyền ném điện thoại vào mình, nhạc sĩ Lưu Thiên Hương đã có nhiều bài viết chỉ trích phương thức và trình độ giảng dạy yếu kém của Minh Huyền.

Trao đổi với phóng viên Lao Động về vụ việc của nhạc sĩ Lưu Thiên Hương và giảng viên - NSƯT Minh Huyền, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang cho rằng, cô giáo Minh Huyền ném điện thoại vào đồng nghiệp là “sai, rất sai”, nhưng việc nhạc sĩ Lưu Thiên Hương cho đăng tải lên mạng xã hội các bài viết, video nhằm hạ bệ đồng nghiệp cũng rất phản cảm.

Ngay khi video giảng viên Minh Huyền ném điện thoại vào Lưu Thiên Hương đăng tải, trên khắp các diễn đàn đã chỉ trích, xúc phạm cô giáo Minh Huyền, đồng thời đặt câu hỏi về văn hóa, cách ứng xử giữa các giảng viên ở Nhạc viện TPHCM. Từ bao giờ, các cô giáo lại lựa chọn việc lên mạng xã hội để chỉ trích trình độ, chê bai cách giảng dạy của nhau?

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang, khi Lưu Thiên Hương chọn cách đăng tải video và phơi bày chuyện đồng nghiệp “yếu, kém” lên mạng, thì Nhạc viện TPHCM chính là nơi phải chịu ảnh hưởng đầu tiên, sau đó là hình ảnh của các cô giáo, văn hóa ứng xử giữa các nhà giáo ở giảng đường.

Mạng xã hội đã khiến văn hóa học đường của ngành giáo dục chịu ảnh hưởng tiêu cực suốt năm 2023 khi những video bạo lực học đường, học sinh “quây” cô giáo được đăng tải, gây chấn động dư luận.

Mạng xã hội với biên độ hoạt động không giới hạn đang trở thành công cụ hữu hiệu để phơi bày những góc tối trong đời sống xã hội, nơi mỗi người đều có thể đăng ký nhiều tài khoản (cả ẩn danh, lộ danh) - họ không ngại sử dụng mạng xã hội như một công cụ để hạ bệ, nói xấu, xúc phạm người khác.

Văn hóa “Tốt khoe, xấu che” của người Việt bị đe dọa

Giáo dục và văn hóa học đường từng nơi tôn nghiêm bậc nhất trong nếp nghĩ và truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của người Việt. Thế nhưng, từ năm 2023 đến đầu 2024, kể từ sau vụ việc học sinh “quây” cô giáo, đến 2 giảng viên Nhạc viện TPHCM mâu thuẫn, văn hóa học đường đã “chạm đáy”, gây nên những cú sốc chưa từng có với dư luận.

Ứng xử của người Việt đã có sự thay đổi lớn giữa thời đại mạng xã hội bùng nổ. Thời xưa, người Việt khi đứng trước mâu thuẫn, cãi vã, có xu hướng “đóng cửa bảo nhau”, “tốt khoe xấu che”, “một điều nhịn, chín điều lành”...

Giới chuyên gia văn hóa phân tích, qua ca dao, tục ngữ, ông bà xưa luôn gửi gắm thông điệp khuyên răn mỗi người bình tĩnh, chín chắn, suy nghĩ thấu đáo khi đối diện mâu thuẫn. Ai cũng dễ mất kiểm soát khi nóng nảy, bởi vậy, không nên để lời nói, hành động bột phát lúc nóng nảy làm hỏng cơ sự. Sự kiềm chế, im lặng, giải quyết mâu thuẫn trong sự êm thấm, lặng lẽ giữa đôi bên được xem là phương án tối ưu.

Thế nhưng, khi mạng xã hội bùng nổ, cùng với sự dịch chuyển, nhiều biến đổi trong hệ tư tưởng của thế hệ, thời đại, ai cũng đề cao cái tôi cá nhân, ai cũng muốn thể hiện quan điểm, cũng muốn khẳng định quyền lực và thích công khai các mối mâu thuẫn, mạng xã hội đã trở thành môi trường lý tưởng để “giải quyết” mọi ân oán.

Giờ đây, mỗi ngày ngập tràn mạng xã hội có thể là những màn đánh ghen, “bóc phốt”, kể tội, bêu xấu lẫn nhau. Văn hóa “tốt khoe, xấu che”, “một điều nhịn, chín điều lành” của người Việt đã bị mạng xã hội làm cho lỗi thời. Khi mọi góc tối đều được phơi bày, cũng là lúc, sự tiêu cực lên ngôi và để lại muôn vàn hệ lụy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn