MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lễ trao giải Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn giai đoạn 2021-2023. Ảnh: Hải Nguyễn

Văn học về công nhân, công đoàn trước vận hội mới

Mi Lan LDO | 15/02/2024 08:00

Cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn và người lao động giai đoạn 2021 - 2023 do Báo Lao Động tổ chức, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam được đánh giá là bước ngoặt lớn, đánh dấu vận hội mới, tầm vóc mới cho dòng văn học này trên văn đàn Việt Nam.

Cuộc sống biến động của công nhân, người lao động là chất liệu mang tính thời đại

Trước cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn phát động trong giai đoạn 2021 - 2023, mảng đề tài về công nhân và người lao động gần như bị bỏ quên trên văn đàn.

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ - thành viên giám khảo của Hội đồng chung khảo Cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn đánh giá: “Hội Nhà văn cũng có Chi Hội Nhà văn công nhân và đã tổ chức những chuyến đi thực tế đưa các nhà văn đến nhiều nhà máy xí nghiệp, ăn ngủ cùng anh em công nhân, tuy nhiên, số lượng tác phẩm rất ít. Lâu nay, tác phẩm về đề tài công nhân, người lao động rất hiếm và không còn gây được tiếng vang như trước đây, thời của những tác phẩm như “Lặng lẽ Sa Pa”, hay “Vùng mỏ”.

Tôi cho rằng, cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn của Báo Lao Động là rất cần thiết, thiết thực, thậm chí mang tính cấp bách để mảng đề tài này được sống dậy mạnh mẽ hơn trên văn đàn Việt Nam đương đại”.

Vận hội mới đang đến

Nhà văn Y Ban - thành viên Hội đồng chung khảo, Trưởng ban Giám khảo Hội đồng sơ khảo - đánh giá: “Với cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn lần này, chúng ta đã có được nhiều tác phẩm đưa ra góc nhìn về chiều dài, chiều rộng, chiều sâu về giai cấp công nhân. Mọi vấn đề trong cuộc sống, môi trường lao động của đội ngũ công nhân thế kỷ mới đã được tiệm cận, phản ánh trong gần 500 tác phẩm dự thi.

Cuộc thi khép lại nhưng không phải là một kết thúc, mà sẽ là một khởi đầu mới, mở ra chặng đường mới cho công nhân tự cất lên tiếng nói của mình, đồng thời, để dòng chảy văn học về công nhân tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn, với số lượng lớn hơn về tác giả, tác phẩm.

Ngoài những tác giả viết văn chuyên nghiệp, đã có thêm đội ngũ những cây viết mới, không chuyên, nhưng “nằm vùng” ở các khu lao động. Trong gần 500 tác phẩm dự thi, có nhiều tác giả là công nhân, người lao động, họ đã phản ánh chân thực về cuộc sống, môi trường làm việc của chính mình”.

Theo nhà văn Y Ban, từ đây, đề tài về công nhân, công đoàn sẽ được mở rộng ra, đào sâu thêm, phát lộ các tài năng, để tiếp tục có tác phẩm mới.

Nhà văn Bảo Ninh - thành viên Hội đồng chung khảo của cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn 2021 - 2023 đánh giá: “Một trong những thành công của cuộc thi là đã đánh thức một mảng đề tài vốn rất lớn lao và sống động trong văn học nước nhà do những nhà văn nổi tiếng như: Nguyên Hồng, Võ Huy Tâm, Ma Văn Kháng, Lý Biên Cương, Tô Ngọc Hiến… từng gây dựng nên.

Nhà văn Bảo Ninh cho rằng, cùng với sự đánh thức của cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn, là sự trỗi dậy mạnh mẽ của sự dịch chuyển thời đại trong các nhân vật văn học.

“Thời đã khác. Lực lượng viết văn cũng đã khác. Cuộc thi cho thấy như vậy và cũng cho thấy bước chuyển thời của văn học đã bắt đầu rồi. Mới chỉ bắt đầu nhưng mạnh mẽ khí thế và tràn đầy triển vọng” - nhà văn Bảo Ninh nói.

Nhìn ra rộng khắp toàn cầu và nhìn sâu vào sự chuyển động của kinh tế Việt Nam để thấy vai trò, sứ mệnh của công nhân, công đoàn và người lao động. Còn rất nhiều những ngổn ngang đề tài cần viết về công nhân.

“Những vất vả mưu sinh khi kinh tế suy thoái sau đại dịch, những phận người cơ cực bị đẩy khỏi nhà máy khi công nghệ hiện đại được áp dụng, họ phải xoay xở ra sao, phải nỗ lực thế nào để hòa nhập được khi cuộc sống đổi thay chóng mặt, những giá trị cũ bị giá trị mới đào thải. Tôi cho rằng, đề tài về công nhân vẫn còn rất nhiều” - nhà văn Võ Thị Xuân Hà - thành viên giám khảo của Hội đồng sơ khảo nhận định.

Cùng với đó, còn là câu chuyện thực phẩm bẩn không rõ nguồn gốc, thực phẩm giá rẻ không đảm bảo chất lượng được bán, được “tuồn” vào bữa ăn của công nhân, người lao động nghèo, gây bệnh tật hiểm nghèo.

Vượt lên trên tất cả, quá trình học tập để vươn dậy trở thành người công nhân vững vàng, nhạy bén, sử dụng máy móc thông tuệ, tăng cường sức sản xuất, đảm bảo hiệu quả kinh tế trong thời đại công nghệ 4.0 cũng là câu chuyện cần được văn học phản ánh rõ nét để thấy được sự biến chuyển trong vị thế, sứ mệnh của người công nhân thế kỷ mới.

Khi những biến động trong đời sống của công nhân và người lao động càng lớn, lại càng cho thấy vai trò quan trọng của tổ chức Công đoàn, sức ảnh hưởng của tổ chức ở mỗi công ty, nhà máy và khắp các khu công nghiệp, khu lao động - nơi những người lao động, công nhân cần đến ánh sáng dẫn đường, sức mạnh “thủ lĩnh” của công đoàn soi rọi.

Cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn từ đây sẽ mở ra một vận hội mới, ở đó, những số phận tưởng như đã bị lãng quên, cùng với tổ chức ưu tú của mình sẽ viết tiếp câu chuyện, số phận, cuộc đời, hơi thở thời đại của chính họ trên văn đàn Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn