MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh Đại sứ Lý Đức Trung mặc trang phục dân tộc (áo Tấc) trình Quốc thư lên tổng thống Israel.

Về chiếc áo Tấc Đại sứ Lý Đức Trung mặc khi trình Quốc thư

PHÚC ĐẠT LDO | 16/08/2022 19:37

THỪA THIÊN HUẾ - Nhân việc Đại sứ Lý Đức Trung mặc trang phục dân tộc trình Quốc thư lên tổng thống Israel, theo TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao Thừa Thiên Huế, cũng là nhà nghiên cứu văn hóa, mặc trang phục dân tộc để giới thiệu đến bạn bè bốn phương là đáng hoan nghênh, và chiếc áo Đại sứ mặc là áo cổ truyền dân tộc với nhiều ý nghĩa đặc sắc. 

Theo TS. Phan Thanh Hải, trang phục mà Đại sứ Lý Đức Trung mặc là áo Tấc - một loại trang phục đặc thù của thời Nguyễn, có lịch sử hình thành khoảng trên dưới 300 năm, gắn liền với công cuộc cải cách và định chế trang phục ở Đàng Trong của Chúa Nguyễn Phúc Khoát.

Áo Tấc là tên gọi phổ biến của loại áo ngũ thân tay rộng, và còn có các tên gọi khác như áo lễ, áo thụng. Cũng như loại áo ngũ thân tay chẽn, áo Tấc dành cho cả hai giới nam và nữ, và cho mọi tầng lớp trong xã hội, không phân biệt đẳng cấp, sang hèn.

Sự phân biệt chủ yếu chỉ thể hiện ở chất liệu, màu sắc, hoa văn trang trí và các phụ kiện kèm theo. Nhưng khác với áo ngũ thân tay chẽn, vốn là loại thường phục (hay tiện phục), áo Tấc thường chỉ dùng trong các nghi lễ thuộc quan, hôn, tang, tế hay các dịp lễ hội lớn, ngày Tết,... chứ ít khi sử dụng hàng ngày trong đời sống bình thường.

Mặc áo Tấc phải chọn áo vừa với cơ thể.

Áo Tấc cũng đi kèm với khăn vấn (hoặc khăn đóng) đội đầu hay mũ tú tài đối với nam giới, mũ phượng, khăn vấn đối với nữ giới và mặc quần màu trắng, rộng (quần thụng).

Tương truyền, tên gọi “áo Tấc” vốn bắt nguồn từ phần viền áo rộng đúng một tấc (khoảng 4cm). Phần thân áo, cũng như áo ngũ thân tay chẽn, được chắp nối từ năm mảnh vải kết hợp với nhau để tạo nên hai vạt trước sau và một vạt con nằm phía trong, và với tay áo dài và thụng.

Nhìn chung, về thiết kế, áo Tấc có phần tay dài rộng từ 30-50cm với chiều dài ống tay tính cộng theo từ cổ tay dài ra 40-50cm, tà áo dài không quá gối 10cm, không bó nách và có hình chữ nhật.

Đây là kiểu áo may theo dáng áo viên lĩnh cổ tròn nhưng được nối thêm một dải vải đứng khoảng một tấc (4 cm) ôm lấy cổ áo. Cổ áo dựng vuông và ôm khít vào cổ, và có 1 cúc ở chân cổ. Khuy áo gồm 5 chiếc bố trí hình chữ “quảng”, làm bằng các vật liệu cứng (vàng, bạc, đồng, trân châu, ngà, đá...) và thường có màu đối lập với màu sắc áo để tạo nên sự nổi bật.

Ngày xưa, tùy vào điều kiện kinh tế cũng như vị thế, phẩm cấp, chức vụ của người mặc mà chất liệu vải may sẽ khác nhau. Đối với hoàng tộc, quan lại cao cấp thì chọn các loại lụa, the, sa cao cấp nhập của Trung Quốc hoặc trong nước sản xuất, dân chúng bình thường sẽ dùng vải chất liệu rẻ hơn nhưng vẫn trang trọng, lịch sự. Màu sắc áo Tấc khá đa dạng, có thể dùng cho nhiều dịp lễ nghi, hội hè khác nhau.

Để có thiết kế hoàn thiện như ngày nay thì trang phục áo Tấc đã trải qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử, có nhiều cải tiến, biến thể và thay đổi không ngừng. Nhiều nhà thiết kế đã xem áo Tấc là hình mẫu ý tưởng của áo dài ngày nay.

Không chỉ áo Tấc, khi khoác lên mình một bộ trang phục dân tộc thì phải am hiểu về trang phục đó.

Ngày xưa, áo Tấc được coi là lễ phục trang trọng, kín đáo và mang nhiều ý nghĩa rất nhân văn. Năm thân áo tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu và bản thân người mặc.

Năm chiếc khuy áo tượng trưng cho quan điểm ngũ thường trong Nho giáo, cụ thể, năm chiếc khuy đại diện cho 5 đức tính của bậc nam nhi là: Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín; hay quan điểm về ngũ luân, tức 5 mối quan hệ rường cột trong xã hội: Vua tôi, cha con, anh em, bạn bè, chồng vợ; thậm chí còn mang ý nghĩa về sự giao thoa của ngũ hành: Thổ, kim, thủy, mộc, hỏa. 

Từ khi chế độ quân chủ sụp đổ thì áo Tấc cũng dần biến mất trong đời sống thường ngày, chỉ còn được sử dụng trong nghi lễ tế tự của một số địa phương, đặc biệt là ở Huế.

Nhưng gần đây, cùng với phong trào chấn hưng quốc phục đang phát triển mạnh mẽ ở cả ba miền, chiếc áo Tấc đã xuất hiện trở lại ở rất nhiều nơi, trên nhiều diễn đàn của các hội, nhóm yêu mến cổ phục dân tộc.

Việc các đạo diễn đưa áo Tấc vào phim cổ trang, các diễn viên, người mẫu sử dụng trọng các clip, MV ca nhạc... đã góp phần quảng bá mạnh mẽ vẻ đẹp của loại trang phục dân tộc này đến với công chúng trong và ngoài nước.

Cũng theo TS. Phan Thanh Hải, việc Đại sứ Lý Đức Trung mặc áo Tấc chắc chắn xuất phát từ mục đích tốt là muốn quảng bá trang phục dân tộc ra với bạn bè thế giới.

Tuy nhiên, có một số điểm chưa được phù hợp như khi may áo thì kích thước áo rộng hơn so với cơ thể; thường trong không gian trang trọng thì nên mặc áo màu đen thay vì màu xanh,... Vì vậy, việc hình ảnh đại sứ mặc trang phục dân tộc chưa thực sự đẹp trong mắt nhiều người.

"Các đại sứ khi ra nước ngoài chọn trang phục dân tộc là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, ngoài việc chọn trang phục cho đúng, phù hợp với cơ thể thì tay chân, tác phong đi đứng cũng phải được tập huấn. Đặc biệt, khi khoác lên bộ trang phục dân tộc thì người mặc phải thực sự am hiểu về nó, có như vậy mới giới thiệu cho bạn bè năm châu biết đến vẻ đẹp thẩm mỹ cũng như phong thái dân tộc thông qua những trang phục đó", TS. Phan Thanh Hải nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn