MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

“Về chốn bình yên” - tự truyện sâu sắc của HLV lục đẳng Judo Lê Thanh Vĩnh

Lục Tùng LDO | 26/02/2020 16:47

“Vĩnh Judo” là biệt danh của võ sư lục đẳng Judo Lê Thanh Vĩnh - huấn luyện viên quốc gia đã từng làm chấn động làng thể thao Việt Nam khi đưa đội tuyển Judo Việt Nam đăng quang tại Sea Games 22 với kỷ lục 13 huy chương. Giờ đây ở tuổi cổ lai hy, ông vừa cho xuất bản tự truyện “Về chốn bình yên” để nói điều gì?

Sách dày 318 trang do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, với 17 chương được minh họa nhiều hình ảnh mang tính lịch sử. Trước hết, “Về chốn bình yên” là bản ghi chép sống động về một phần biên niên sử của Judo Việt Nam từ thời mới du nhập đến nay.

Võ sư Lê Thanh Vĩnh. Ảnh: Lục Tùng

Lê Thanh Vĩnh là môn sinh đầu của Viện Nhu đạo Quang Trung, trước khi trải qua nhiều cương vị khác nhau, như thành viên đội tuyển quốc gia, khai sinh Judo Bình Dương (1969), Đồng Tháp (1993).

Khi được chọn làm huấn luyện viên đội tuyển quốc gia, ngay lần đầu cầm quân, ông đã đưa Judo Việt Nam bước lên thứ hạng cao nhất tại Sea Games 22 (năm 2003) với kỷ lục 13 huy chương.

Tuy nhiên, ẩn sâu đàng sau những bước đường võ thuật, với đầy ắp những “hỉ nộ, ái ố” của cuộc đời đầy cơ cực là ánh sáng về chí vươn lên của người con xứ Huế.

Bài quyển tự truyện “Về chốn bình yên“. Ảnh: LT

Ông sinh năm 1945, trong gia đình nghèo trên Phá Tam Giang (Huế). Ý chí vươn lên đã thôi thúc ông tìm đường vào Sài Gòn lập nghiệp (1963) với hai bàn tay trắng. Để tồn tại nơi đất lạ, ông phải làm đủ thứ nghề để nuôi thân và đeo đuổi việc học.

Ông hiếu học và học nhiều ngành, từ hội họa, thư pháp cho đến võ thuật. Và ở môn nào ông cũng có thành tựu. Không chỉ viết báo, làm thơ, viết thư pháp giỏi, ông còn vươn lên trở thành tuyển thủ Judo quốc gia...

Vì vậy đọc “Về chốn bình yên”, chúng ta không chỉ biết về một con người, mà thông qua bút pháp sinh động, lối hành văn mềm mại như chính môn nhu đạo, mà còn hiểu nhiều hơn về cả một thời ông đã sống.

Bìa 4 quyển tự truyện do chính võ sư Lê Thanh Vĩnh thiết kế. Ảnh: LT

Tuy nhiên, điều mà chắc chắn người đọc nào cũng cảm phục và cảm động ở “Về chốn bình yên” chính là những suy nghĩ, triết lý thiện lương của người võ.

Trong Chương 6, viết về trận đấu khó quên với tuyển thủ Nguyễn Xuân Kháng - người bạn cùng học tại Viện Nhu đạo Quang Trung, ông viết: “Kháng với tôi cùng học một thầy, cùng vào trường một khóa, có những lúc Kháng mời tôi về ở nhà anh, hai đứa ăn cùng mâm, nằm cùng chiếu. Tôi không đủ can đảm lợi dụng lúc Kháng đang chấn thương để mang chiến thắng về cho mình…”.

Vì tình cảm đó, ông Vĩnh đã không tung ra đòn quyết định... để rồi bị đối phương phản đòn, nhận lấy cái thua. Sau đó, ông Vĩnh bị triển trách nặng, nhưng cái thua của ông đã để lại cho chúng ta hôm nay bài học “chiến thắng chính mình” để trở thành người tử tế trong đối nhân xử thế với đồng đội, đồng nghiệp...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn