MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vẻ đẹp hiếm thấy, chuyện nhảy trên than hồng ở Hoàng Su Phì đi vào sách

Hải Minh LDO | 16/05/2021 11:03

Cuốn sách "Chuyện tình của núi – Ngang dọc Hoàng Su Phì" là những ghi chép của tác giả Hoài Sa về cuộc sống và con người ở Hoàng Su Phì.

Nhà xuất bản Kim Đồng mới đây vừa ra mắt cuốn bút kí "Chuyện tình của núi – Ngang dọc Hoàng Su Phì". Cuốn sách là những ghi chép trên thực địa của tác giả Hoài Sa về cuộc sống và con người ít người biết ở Hoàng Su Phì, vùng đất có ruộng bậc thang đẹp nhất Việt Nam.

Hoàng Su Phì là một huyện vùng cao ở phía tây Hà Giang. So với cao nguyên đá Đồng Văn, tây Hà Giang không danh tiếng bằng, nhưng lại lưu giữ những nét văn hóa, phong tục và di sản giàu sắc màu của hơn 10 dân tộc anh em.

"Chuyện tình của núi" theo chân tác giả tới các vùng ruộng bậc thang tuyệt đẹp của Hoàng Su Phì. Những câu chuyện về cách cha ông dựng bậc thang, cách làm lúa, đặc sản cá chép ruộng, mùa thu hoạch vàng vọt được mô tả như một bức tranh lao động, cảnh vật độc đáo của miền núi xa xôi.

Ruộng bậc thang mùa vàng ở Bản Phùng. Ảnh: NXB Kim Đồng

Kế đó là những văn hóa gắn với cây lúa, như lễ Cơm mới của các dân tộc Nùng, Dao, Mông, hay chuyện làm bánh giày trước 30 Tết của những người địa phương coi lúa cũng như “vạn vật hữu linh”.

Một phần không nhỏ trong sách là những bài viết về những nghề truyền thống ở Hoàng Su Phì mà tác giả dành nhiều thời gian tìm hiểu bên các nghệ nhân. Phải kể tới nghề chạm bạc ở Pờ Ly Ngài của người Nùng với những người thợ luống tuổi. Họ tỉ mỉ làm ra những chiếc vòng, nhẫn, xích tinh xảo dùng cho dịp lễ hội.

Phụ nữ người Dao Áo Dài ở Bản Luốc. Ảnh: NXB Kim Đồng

Nghề làm giấy rơm của người Dao Đỏ thì giờ đã mai một, chỉ hay được làm cho du khách phương xa xem. Nghề làm chè shan tuyết lại dắt người đọc tới những cây chè cổ thụ hàng trăm tuổi và cách sao, ủ để làm ra trà xanh, trà đen đặc trưng của miền khí hậu mát lạnh.

Ngoài những mảng thông tin chi tiết về văn hóa con người, “Chuyện tình của núi” còn kể lại trải nghiệm của tác giả khi hòa mình vào cuộc sống bản địa. Có thể nói tới chuyến chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh, nóc nhà đông bắc còn ít được ngó tới.

Bình minh mùa gặt ở Thông Nguyên. Ảnh: NXB Kim Đồng

Núi Tây Côn Lĩnh còn giữ cho mình những cánh rừng nguyên sinh cổ thụ ma mị, với những thảm thảo quả, nấm ngọc cẩu, nhưng con dốc cao và những lối đi rậm rạp làm đoàn leo núi lạc đường trong hoàng hôn. Hay đó có cả ngày hội tưng bừng ở Bản Luốc của người Dao Áo Dài, một dịp vui chơi hội thao và thi thố cấp xã hiếm có trong năm ngoài ngày Tết.

Nghệ nhân chạm bạc ở Pờ Ly Ngài. Ảnh: NXB Kim Đồng

Phần lớn con người Hoàng Su Phì trong sách được kể lại là những người con dân tộc thiểu số, luôn đầy tự hào về quê hương mình. Họ thật thà, chất phác và thường đau đáu về quê còn nghèo. Và du lịch cộng đồng hiện nay nổi lên như một hướng đi mới của Hoàng Su Phì, dựa trên ruộng bậc thang và phong tục dân tộc. Người Dao Đỏ ở đây đã biết biến lễ Nhảy lửa thành một sản phẩm du lịch hiếm có.

Trong lễ cầu cho mưa thuận gió hòa ấy, các thanh niên Dao Đỏ nhảy trên lửa cháy than hồng mà không bị bỏng. Mô tả những điều đó, cuốn sách được tác giả kì vọng giúp rọi sáng những chiều góc người ngoài ít biết và hiểu rõ về mảnh đất kỳ bí Hoàng Su Phì.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn