MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
"Gangnam Style" từng làm nên cơn bão văn hóa năm 2012. Ảnh: Xinhua

Vì sao điệu nhảy ngựa tưởng như ngớ ngẩn lại từng khuynh đảo thế giới?

Mi Lan LDO | 05/05/2022 12:06

MV “Gangnam Style” từng “lũng đoạn” thế giới năm 2012 vừa cán mốc 4,4 tỉ lượt xem trên YouTube.

“Gangnam Style” ra mắt vào tháng 7.2012 và ngay lập tức đã trở thành cơn bão văn hóa. Khắp thế giới, khán giả đã cùng hát và cùng nhảy điệu nhảy ngựa trứ danh của “gã tâm thần” Psy.

Những ca sĩ, diễn viên nổi tiếng, thậm chí cả những chính trị gia cũng nhảy điệu nhảy ngựa để thể hiện mình đang bắt kịp xu hướng.

“Gangnam Style” đã giúp Psy tạo ra những kỳ tích văn hóa chưa từng có. Với sự lan tỏa nhanh chóng và mạnh mẽ một cách khó hiểu, “Gangnam Style” đã đưa âm nhạc Hàn Quốc vượt xa khỏi mọi biên giới, lãnh thổ.

MV "Gangnam Style" đã trở thành video đầu tiên vượt qua giới hạn lượt xem của YouTube khi vượt qua 2 tỉ lượt xem vào tháng 5 năm 2014, khiến dịch vụ này phải nâng cấp bộ đếm của mình. Video sau đó đã vượt mốc 3 tỉ vào năm 2017, cán mốc 4 tỉ vào tháng 3.2021. Đến cuối tháng 4 đầu tháng 5.2022, MV này vượt con số 4,4 tỉ lượt xem.

Đằng sau điệu nhảy ngựa tưởng như ngớ ngẩn

Psy tên thật là Park Jae Sung, anh lấy nghệ danh dựa trên từ viết tắt của Psycho có nghĩa là “tâm thần”. Trong suốt sự nghiệp âm nhạc của mình, Psy đã thể hiện đúng chất “tâm thần”, “điên” rất khác biệt ấy.

Psy không giống ai, anh phá vỡ mọi chuẩn mực, và trở nên nổi tiếng. Ngay cả cách “Gangnam Style” lập kỳ tích cũng rất “điên rồ”. Cho đến bây giờ, người ta vẫn ví điệu nhảy ngựa trứ danh đã xuất hiện như một cơn lốc về văn hóa.

“Gangnam Style” giúp âm nhạc Hàn Quốc vươn ra thế giới. Ảnh: Xinhua

Trong MV “Gangnam Style”, Psy xuất hiện với hình ảnh một rapper có phần quê mùa, lòe loẹt, thừa cân và nhắc đi nhắc lại điệp khúc, “anh có phong cách Gangnam”.

MV đầy màu sắc, hổ lốn, không có kịch bản, và không theo quy tắc nào. Lời bài hát đơn giản, điệp khúc lặp lại nhiều lần, chỉ với một thông điệp duy nhất về phong cách Gangnam.

Thế nhưng, đằng sau hình ảnh rapper lòe loẹt, thừa cân với những câu hát đơn giản ấy lại chứa đựng sức nặng và sự đả kích mạnh mẽ, trào lộng về giới nhà giàu ở Gangnam.

Gangnam là một trong 25 khu của thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Quận Gangnam thuộc vào khu Gangnam, nằm ở phía đông nam thành phố, và là một trong những quận giàu có nhất của Seoul.

Từ những năm 1970 thế kỷ trước, sự phát triển bùng nổ về kinh tế đã biến Gangnam trở thành một biểu tượng về sự xa hoa, giàu có ở Hàn Quốc. Giới siêu giàu đổ về đây biến Gangnam thành nơi tập trung của những biệt thự trong mơ, siêu xe, hàng hiệu xa xỉ.

Hình ảnh Psy với những bộ đồ rườm rà, sặc sỡ xuất hiện trong MV “Gangnam Style” đã giống như một sự giễu nhại, trào lộng lối sống trưng trổ, khoe mẽ của giới nhà giàu Gangnam.

Sự phân cấp giàu nghèo ở Seoul

Khi “Gangnam Style” làm mưa làm gió khắp thế giới, hình ảnh Psy giễu nhại giới nhà giàu trưng trổ, còn ẩn chứa thông điệp về sự phân cấp giàu nghèo khốc liệt ở Seoul.

Hình ảnh cuộc sống xa hoa, hàng hiệu phủ ngập Gangnam không đại diện cho Hàn Quốc, mà ngay cạnh đó, khu ổ chuột Guryong đã xuất hiện trên khắp các mặt báo thế giới vào thời điểm cơn bão “Gangnam Style” quét qua.

Khu siêu giàu Gangnam Style. Ảnh: NS
Khu ổ chuột Guryong nằm ngay ở Seoul. Ảnh: AFP

Nằm dưới bóng của khu siêu giàu Gangnam là khu ổ chuột Guryong với rất nhiều mảnh đời cùng khổ, là những căn nhà dựng tạm tồi tàn, những phận người mưu sinh vất vả, những cuộc sống thiếu thốn tận cùng. Guryong từ lâu đã trở thành biểu tượng về sự phân hóa giàu nghèo ở Seoul.

AP từng viết về Guryong, “Quận Gangnam giàu có rất nổi tiếng vì Gangnam Style. Đó cũng là khu mua sắm, cửa hàng, quán bar, hộp đêm và nhà hàng xa xỉ, nơi mà giới sao Hàn thường xuyên ghé qua. Nhưng ngay cạnh đó là một khu ổ chuột lớn nhất ở Seoul với những căn chòi dựng tạm bợ bằng những tấm gỗ và tấm bạt, là nơi trú ngụ của nhiều người nghèo”, hãng AP so sánh.

Sau “cơn bão” văn hóa “Gangnam Style”, đến năm 2019, thế giới một lần nữa được chứng kiến lời giễu nhại sự phân hóa giàu nghèo sâu sắc ở Seoul trong bộ phim đoạt Oscar “Ký sinh trùng” của đạo diễn Bong Joon Ho.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn