MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sư Thích Diệu Mơ rất tự hào với những báu vật tại ngôi chùa mình đang trụ trì. Ảnh: P.V

Vì sao được coi là “độc nhất", Tượng Phật ngồi lưng vua vẫn có bản sao?

Long Nguyễn LDO | 07/02/2020 06:55

Không nhiều người biết rằng Vua sám hối - bức tượng gỗ nổi tiếng ở chùa Hòe Nhai (Hà Nội), tạc khoảnh khắc nhà vua đang quỳ gối phủ phục để đức Phật tọa trên lưng, còn có phiên bản khác bằng đồng đặt tại một ngôi chùa nhỏ ở tỉnh Hải Dương.

Thế tượng “độc nhất vô nhị”

Chùa Hòe Nhai có địa chỉ tại số 19 Hàng Than (Ba Đình, Hà Nội), nằm trên một khuôn viên rộng khoảng 3.000m2 gồm 2 tòa bái đường 5 gian, chính điện 3 gian và nhà tổ 7 gian tạo thành hình chữ “Công”. Nhiều tài liệu cho rằng chùa được xây dựng từ thời nhà Lý (1010 - 1225) và lưu giữ bên trong nhiều bảo vật cổ, quý… Song làm rạng danh cho ngôi chùa này, cũng là “độc nhất vô nhị” trong tín ngưỡng thờ Phật ở chốn đình chùa, là pho tượng Phật ngồi lưng vua theo điển tích vua Đế Thích tình nguyện làm giường cho Phật Thích Ca ngồi thuyết pháp. 

Tổng thể pho tượng cao hơn 3m, khắc ghi khoảnh khắc một vị vua quỳ gối phủ phục mang trên lưng một pho tượng Phật, tay kết ấn, vẻ mặt từ bi, thoát tục. Còn dáng quỳ gối sát mặt đất của tượng vua, thể hiện sự quy phục, hối lỗi tuyệt đối. 

Kể từ khi được hoàn thành, bức tượng độc đáo đã góp phần làm ngôi cổ tự thêm nức tiếng. Suốt nhiều năm qua, du khách thập phương đến thăm chùa ngoài thành tâm cầu cúng, ai cũng mong được một lần tận mắt chiêm bái tác phẩm nổi tiếng. Ngoài tên “Phật ngồi lưng vua”, thì “Vua sám hối” cũng là một cách gọi khác được phổ biến rộng rãi trong dân gian.

Theo sử sách, vào khoảng cuối thời Lê Trung Hưng, Phật giáo không còn được đứng ở vị trí quốc giáo, thay vào đó là Nho giáo. Đến thời vua Lê Hy Tông (1663-1716), vua ban sắc lệnh đuổi hết sư sãi ở các chùa lên rừng, ai ngoan cố không đi sẽ bị khép vào trọng tội đem ra xử trảm, khiến Phật giáo rơi vào thảm cảnh tang thương. Trong thời điểm sinh tử ấy, một vị thiền sư đắc đạo tên Tông Diễn đã tìm cách trở lại kinh thành Thăng Long, nhằm giáo hóa nhà vua, cứu lại niềm tin Phật pháp.

Để trở lại khi vừa nhận sắc lệnh đã khó, lại tìm gặp vua càng là việc khó khăn. Cuối cùng Hòa thượng Tông Diễn đã phải dùng biện pháp, ông gửi tặng nhà vua chiếc hộp, trong đó nói có viên ngọc quý. Tuy nhiên thực chất trong hộp chỉ có một tờ biểu ghi lại những điều lợi mà Phật giáo mang lại cho xã hội. “Đời Trần, đời Lý, các vua hết sức coi trọng đạo Phật và rồi quốc gia thịnh trị, đạo Phật khiến người ta biết ăn uống đúng mực, không giết người cướp của, nó như một viên ngọc quý của quốc gia, vậy tại sao cho đến giờ đạo Phật lại bị cho rằng không mang lại lợi ích gì cho xã hội...”, tờ biểu phân tích. 

Sau cuộc gặp mặt này, vua Lê Hy Tông đã hồi tâm chuyển ý. Sắc lệnh đã ban bị xóa bỏ. Sư Tông Diễn được mời trụ trì chùa Hòe Nhai, cũng là ngôi chùa lớn nhất kinh thành thủa đó. Và bức tượng Vua sám hối cũng từ đó ra đời. 

Phiên bản khác nơi chốn tổ

Vậy nhưng ít người biết rằng cách chùa Hòe Nhai chừng 100km về phía đông, ở một ngôi chùa nhỏ có tên chữ là Thánh Quang tự, nằm tận cùng đất Hải Dương, hiện đang lưu giữ một phiên bản khác của bức tượng Vua sám hối. Và cũng giống như bức tượng gốc, bức tượng thứ 2 này được thờ phụng trong nhà tổ và nhận được sự sùng kính của nhân dân địa phương.

Nằm trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt, Thánh Quang tự thuộc thôn Nhẫm Dương, xã Duy Tân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, là chốn tổ của thiền phái Tào Động Việt Nam cùng sự tích “hóa Thánh” kỳ lạ và hệ thống cảnh quan, các hang động có giá trị đặc biệt về địa chất địa mạo và lịch sử.

Những ngày đầu xuân năm mới, theo chân sư trụ trì Thích Diệu Mơ - chúng tôi được chiêm ngưỡng phiên bản mới của bức Vua sám hối. Theo quan sát, vì được làm bằng đồng nên toàn bộ thân tượng đều có màu vàng bóng, khích thước nhỉnh hơn một chút bản gốc và quan trọng thần thái của 2 nhân vật đều được giữ nguyên: Bên trên từ bi hỷ xả, bên đưới thần phục, hối lỗi... 

Sư Mơ cho biết, sở dĩ Thánh Quang tự quyết lưu giữ bản sao của bức tượng bởi nơi đây mới chính là chốn tổ của phái Tào Động, trường phái mà Hòa thượng Tông Diễn là sư Tổ đời thứ 2.

Sư Mơ giảng giải: “Khoảng thế kỷ XVII, Tào Động Tông do Thiền sư Thủy Nguyệt, pháp danh Đạo Nam Thông Giác truyền vào Việt Nam. Đệ nhất tổ Thủy Nguyệt đã tu hành và viên tịch tại hang Thánh Hóa phía sau chùa Nhẫm Dương và đây trở thành chốn tổ của Thiền phái Tào Động Việt Nam. Đệ nhị Tổ chính là Quốc sư Tông Diễn”.

Về câu chuyện cảm hóa đức vua, theo sư Thích Diệu Mơ, trước khi lên kinh thành, sư Tông Diễn vốn đang trụ trì chùa Hạ Long (thuộc Đông Triều, Quảng Ninh ngày nay). Sau khi được sư Thủy Nguyệt cho phép, sư Tông Diễn từ chùa Nhẫm dương nhằm hướng Thăng Long mà xuất phát. Sau khi viên tịch, xá lỵ của sư Tông Diễn cũng được bảo quản chính ở chùa Nhẫm. 

“Hiện chùa Thánh Quang vẫn bảo tồn gần như nguyên vẹn 2 ngôi tháp cổ táng xá lỵ của cả 2 vị tổ. Ngày hóa của Thánh tổ Thủy Nguyệt là khởi nguyên Lễ hội chùa Nhẫm Dương, diễn ra hằng năm từ ngày mồng 5 đến ngày mồng 7 tháng Ba (Âm lịch) thu hút rất đông du khách thập phương...” - sư Mơ tự hào kể.

Trao đổi với PV, Đại đức Thích Minh Thuần cho biết, ý tưởng làm một phiên bản Vua sám hối bằng đồng rồi đặt tại chùa Nhẫm được các con cháu phái Tạo Động ấp ủ từ rất lâu. Tuy nhiên đến những năm 2000 mới có thể triển khai được. Lúc đầu, việc đặt tượng tại chùa Nhẫm gặp phải một chút ý kiến từ các vị chức sắc chùa Hòe Nhai vì cho rằng như thế mất đi tính “độc nhất vô nhị” nhưng sau đó mọi việc đã được êm thuận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn