MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vì sao “mẹ chồng bị ghét nhất màn ảnh” phải hối hận khi nhận vai?

Mi Lan LDO | 11/05/2022 12:34
Sau “Sống chung với mẹ chồng”, NSND Lan Hương tiếp tục có màn trình diễn thuyết phục với vai mẹ chồng có màu sắc mới, sinh động hơn ở “Thương ngày nắng về”.

Mới đây, khi bị khán giả “ném đá” dữ dội về vai diễn mẹ chồng trong “Thương ngày nắng về” ngày càng quá quắt, NSND Lan Hương mới bình luận hài hước, “Biết thế chẳng nhận vai con mẹ này”.

Và để chia sẻ thêm về bình luận này, NSND Lan Hương cho biết thêm, đọc phản ứng của khán giả, bà thấy vui khi vai diễn đã thành công, vượt qua được cái bóng bà mẹ chồng Phương ở “Sống chung với mẹ chồng”.

Bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” (đạo diễn Vũ Trường Khoa) được chuyển thể kịch bản từ tiểu thuyết “Phù thủy dưới đáy biển” của Trung Quốc và lên sóng năm 2017. Ngay khi lên sóng, phim đã gây bão màn ảnh. Câu chuyện xoay xung quanh mâu thuẫn đỉnh điểm giữa mẹ chồng (NSND Lan Hương) và con dâu (Bảo Thanh) được thể hiện sinh động, gần gũi với những tình tiết giàu chất liệu đời sống.

Với vai mẹ chồng – bà Phương, NSND Lan Hương đã có màn trình diễn xuất sắc. Bà Phương khó tính, cổ hủ, khắt khe, và ích kỷ. Bà Phương chỉ chăm chăm nghĩ cho con trai mình, muốn mọi thứ tốt nhất cho con trai, trong khi đó lại xét nét, khắt khe, đặt ra đủ mọi yêu cầu cho con dâu Minh Vân.

NSND Lan Hương được ngợi khen về diễn xuất qua 2 vai mẹ chồng, bà Hiền ở “Thương ngày nắng về” và bà Phương ở “Sống chung với mẹ chồng“. Ảnh: VFC

NSND Lan Hương đầu tư cho vai diễn từ tạo hình, ánh mắt lườm nguýt, gương mặt luôn cáu kỉnh, đến diễn xuất, hành động cách đi đứng, thái độ dò xét, “đeo bám” con dâu từ phòng khách, phòng vệ sinh, cả phòng ngủ để chê bai.

Với vai bà Phương – NSND Lan Hương được bình chọn là “mẹ chồng bị ghét nhất màn ảnh”. Khi phim lên sóng, khán giả phản ứng dữ dội với bà Phương qua cách bà đối với con dâu và thông gia.

Giới chuyên môn dành nhiều lời ngợi khen về diễn xuất đầy kinh nghiệm và tâm huyết của NSND Lan Hương cho vai mẹ chồng. Đây cũng là vai mẹ chồng khó tính – khó ai có thể vượt qua.

Bởi vậy, khi NSND Lan Hương tiếp tục nhận vai mẹ chồng cùng màu sắc khó tính, quá quắt ở “Thương ngày nắng về”, nhiều khán giả nhận định, đây là kiểu vai sở trường, và NSND Lan Hương sẽ dễ lặp lại chính mình ở “Sống chung với mẹ chồng”.

Tuy nhiên, trải qua 2 phần phim, NSND Lan Hương đã cho thấy phong độ cũng như kinh nghiệm diễn xuất dày dặn, nữ nghệ sĩ gạo cội thoát vai bà Phương và nhập vai bà Hiền với màu sắc mới, sinh động hơn, mới mẻ hơn.

Tạo hình của bà Hiền ở “Thương ngày nắng về” khác hẳn bà Phương ở “Sống chung với mẹ chồng”. Nếu bà Phương keo kiệt, khắc kỷ, bà Hiền lại tung tẩy, ăn diện. Mỗi phân cảnh xuất hiện, bà Hiền đều phục trang lòe loẹt, rực rỡ sắc màu, thêm khăn vấn tóc sặc sỡ. Nếu bà Phương khó tính một cách kỳ quái, bà Hiền lại đồng bóng, hướng ngoại, thích ăn chơi hưởng lạc, lười làm.

Diễn xuất, tạo hình, tính cách và khả năng gây ức chế của 2 nhân vật mẹ chồng rất khác nhau qua diễn xuất của NSND Lan Hương. Ảnh: VFC

Trong mối quan hệ mâu thuẫn đỉnh điểm với con dâu, ở bà Phương là sự xét nét, áp đặt, ở bà Hiền là bất chấp mọi lý lẽ, luân thường để chèn ép, dồn con dâu đến đường cùng. Ở những tập “Thương ngày nắng về” gần nhất, bà Hiền ép con dâu phải gánh nợ của con gái.

NSND Lan Hương đã biến hóa, xây dựng 2 kiểu mẹ chồng với những cách gây ức chế rất khác nhau, dù họ có cùng một màu sắc phản diện. Khán giả bức xúc với sự tai quái của các nhân vật mẹ chồng, nhưng dành lời ngợi khen cho diễn xuất dày dặn kinh nghiệm và khả năng biến hóa của NSND Lan Hương.

Phần lớn sức hút của “Thương ngày nắng về” sau cả 2 phần đến từ diễn xuất của dàn diễn viên hợp vai, đầu tư, chuyên nghiệp. Nếu ở các diễn viên trẻ là sự trưởng thành, thấm vai, ở dàn diễn viên kỳ cựu như NSND Lan Hương, NSƯT Thanh Quý, NSND Minh Hòa... lại là kinh nghiệm, sự biến hóa, và thực lực đã được tôi luyện theo thời gian.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn