MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vì sao những nhân vật phim xấu xí trở thành sự độc lạ ấn tượng?

Mi Lan LDO | 11/11/2022 08:41

Có thể do đề tài phim cần nhiều “trai xinh gái đẹp”, có thể do trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ đang “làm mưa làm gió”, màn ảnh Việt ngày càng hiếm hoi những nhân vật có ngoại hình… xấu.

Nhân vật Mô “gù” của Thái Hòa trong “Mẹ Rơm” vừa xuất hiện đã gây ấn tượng mạnh. Quá lâu màn ảnh nhỏ mới có một nhân vật nam chính xấu, xù xì như Mô “gù”.

Dòng phim gia đình với bối cảnh hiện đại, sang chảnh lên ngôi kéo theo sự đắt show của những nhân vật “trai xinh gái đẹp”. Hình ảnh những người đàn ông đẹp trai, giàu có, thành đạt, bận rộn lừa dối vợ con đã chiếm lĩnh màn ảnh những năm gần đây.

Cộng thêm trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ, chỉnh sửa nhan sắc đang là “hot trend” ở showbiz, khiến ở bất cứ đâu cũng trở thành màn trình diễn, phô trương sắc đẹp – kể cả phim ảnh.

Rất hiếm nhân vật xấu xí, thô ráp, xù xì được xây dựng để tạo cảm xúc về thân phận, về sự lương thiện như Mô “gù” của “Mẹ Rơm”. “Mẹ Rơm” lấy bối cảnh nông thôn, xoay quanh những số phận éo le giữa đời sống mưu sinh khốn khó. Thái Hòa được  hóa trang, đeo thêm đạo cụ giả gù trên lưng. Với gương mặt khắc khổ, già nua, dáng đi xiêu vẹo, Mô “gù” trở thành nhân vật “độc, lạ” của màn ảnh khi “Mẹ Rơm” lên sóng.

Thái Hòa luôn đóng những vai có ngoại hình xù xì, gai góc. Ảnh: NSX

Cũng ở “Mẹ Rơm”, khán giả được chứng kiến kỹ năng diễn xuất, hóa thân của dàn diễn viên nữ để mặt mộc. Huỳnh Hồng Loan với vai cô gái quê mùa, ngô nghê, bị lừa gạt, phải mang thai ngoài giá thú. Cao Thái Hà cũng không còn sự sexy, nóng bỏng nào khi vào vai vợ của người đàn ông vừa đi tù về.

Việc nhiều diễn viên nữ lạm dụng chỉnh sửa nhan sắc từng khiến các nhà làm phim “đau đầu”. Nhiều đạo diễn cho rằng, khi can thiệp dao kéo, cơ mặt và kỹ năng biểu cảm của diễn viên bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều nghệ sĩ diễn đơ, cứng, khóc hay cười đều không thể hiện được cảm xúc, gương mặt như tượng sáp.

Chưa kể, việc can thiệp chỉnh sửa sắc đẹp theo một công thức chung, khiến tất cả các diễn viên nữ đều có gương mặt, vẻ đẹp na ná như nhau. Họ như được “đúc” ra từ một khuôn mẫu chung về vẻ đẹp, được nhìn nhận dưới một quy chuẩn chung, chính điều đó lại khiến cho phim ảnh thiếu đi những gương mặt có chất riêng, có cá tính riêng biệt.

Đạo diễn Trương Nghệ Mưu từng trả lời phỏng vấn khẳng định, ông lựa chọn diễn viên nữ dựa theo tiêu chuẩn là chưa từng phẫu thuật thẩm mỹ. Theo đạo diễn Trương Nghệ Mưu, chỉnh sửa thẩm mỹ ảnh hưởng tới khả năng điều khiển cơ mặt của diễn viên.

Châu Đông Vũ - nữ chính của Trương Nghệ Mưu trong bộ phim “Chuyện tình cây táo gai” mộc mạc, giản dị, phá vỡ tất cả mọi quy tắc về một mỹ nhân. Châu Đông Vũ bị chê ngoại hình quá bình thường so với một diễn viên, nhưng tài năng diễn xuất đã khiến Châu Đông Vũ biến tất cả các vai của cô đều đẹp và ấn tượng kỳ lạ.

Hồng Ánh để mặt mộc diễn vai Hạnh ở “Cây táo nở hoa“. Ảnh: NSX

Màn ảnh Việt cũng đang cần thêm những gương mặt mộc mạc, giản dị với kỹ năng giàu biểu cảm như thế. Như cách Hồng Ánh với gương mặt hoàn toàn không son phấn, lộ nguyên những vết nhăn tuổi tác để đóng vai Hạnh ở “Cây táo nở hoa”.

Chính diễn xuất chân thực, gần gũi của Thái Hòa, Hồng Ánh đã mang đến sự xúc động mạnh mẽ cho “Cây táo nở hoa” – trước khi phim bị chê về kịch bản ngày càng dài dòng, phi lý khi về cuối.

“Mẹ Rơm” lấy bối cảnh nông thôn nghèo khó cũng đang tái hiện tương đối chân thực những mảnh đời lao động vất vả, họ tất nhiên không thể có ngoại hình lộng lẫy, không thể có gương mặt đã qua chỉnh sửa sắc đẹp, làn da trắng sứ... Diễn viên khi hóa thân, cần cả việc trở nên xấu, trở nên chân thực mộc mạc nhất, để sống trọn vẹn với nhân vật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn