MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh rồng 4 móng trên mũ quan triều Nguyễn đang được đấu giá ở Tây Ban Nha.

Vì sao trên mũ quan văn triều Nguyễn lại có rồng 4 móng?

Tường Minh LDO | 24/10/2021 19:13

Nhiều bạn đọc Báo Lao Động thắc mắc vì sao trên mũ quan văn triều Nguyễn – Huế đang được đấu giá ở Tây Ba Nha lại có hình con rồng 4 móng. Và những tưởng chỉ có mũ và trang phục của vua mới được trang trí rồng.

Thật ra, dưới triều Nguyễn, mũ quan có hình rồng (4 móng) hay còn gọi là con mãng hay giao long theo cách gọi của người Trung Quốc là chuyện bình thường và điều này được quy định cụ thể trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, gọi tắt là Hội điển.

Trong đó quy định quan văn trên phẩm thứ nhất: Mũ đại triều kiểu mũ “Phốc đầu tròn”, ở trên đầu mũ dính cầu vàng, thêm hai cái hốt vàng, đều cao 6 phân. Ở phần dưới mũ có ngạch tưởng bằng vàng, hai mặt trước và sau đều dính một hoa vàng.

Hình ảnh rồng 4 móng trên mũ quan triều Nguyễn đang được đấu giá ở Tây Ban Nha

Bao hai đầu cánh mũ trên mặt trang sức con giao (con rồng 4 móng, con mãng) giỡn hạt châu bằng vàng như hình ảnh  trên chiếc mũ quan văn hàm nhất phẩm trở lên của triều Nguyễn đang được đấu giá ở Tây Ban Nha.

Tức là dưới triều Nguyễn, hình tượng rồng không chỉ dành riêng cho vua mà còn dành cho quan lại, các hoàng thân quốc thích... nhưng mỗi tầng lớp lại có nhưng quy định về rồng khác nhau.

Theo TS Trần Đức Anh Sơn, nguyên Giám đốc Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, con rồng xuất hiện trên trang phục cung đình triều Nguyễn rất đa dạng về hình thức, kiểu dáng, với những quy định rất nghiêm ngặt về số lượng, chất liệu và quy cách thể hiện.

Rồng chỉ được thêu trên áo của vua và của hoàng thái tử, còn áo của hoàng tử chỉ được thêu con mãng, một biến thể thứ cấp của rồng. Rồng xuất hiện trên long bào của vua dưới các hình thức “phi long” (rồng bay) hay “hồi long hướng nhật” (rồng quay đầu về phía mặt trời), kích thước cân đối, mặt rồng uy nghi, chân có 5 móng.

Rồng trên long bào của hoàng thái tử chỉ là rồng mặt nạ, thân rồng thu nhỏ, chân chỉ có 4 móng; còn trên mãng bào, hay mãng lan của hoàng tử thì chỉ là các loài giao, mãng... là những hóa thân bậc thấp của rồng.

Cũng theo TS Trần Đức Anh Sơn, sự thể hiện của rồng trong trang phục cung đình Huế còn tùy thuộc vào tên gọi và chức năng của các loại áo mão. Chẳng hạn, áo vua mặc lúc thiết đại triều và trong các dịp lễ Tết, gọi là long bào, thì được thêu 9 con rồng, trong đó 2 con rồng ở thân trước và thân sau là những phi long thêu bằng chỉ bóng và chỉ kim tuyến, mắt rồng đính các viên đá quý nhập khẩu từ Ấn Độ.

Áo vua mặc trong các dịp thường triều gọi là hoàng bào, thêu viên long (rồng cuộn tròn) bằng tơ vàng có nạm trân châu. Áo vua mặc khi tế giao gọi là long cổn, màu đen, tay thụng, thêu lưỡng long triều nhật (hai con rồng chầu mặt trời) dọc hai thân trước. Áo vua mặc khi cày ruộng tịch điền là áo sa kép màu gạch non, thêu long vân (rồng ẩn trong mây).

Trong khi đó, áo đại triều của hoàng thái tử có lớp ngoài may bằng sa nam, lớp trong bằng the bát, thêu hình viên long, gấu áo thêu đồ án lý ngư hóa long (cá chép hóa rồng) nổi trên nền màu đỏ; còn mãng bào của các hoàng tử thì thì chỉ được thêu 9 con rồng 4 móng, gọi là con mãng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn