MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vì sao Việt Nam chưa có quốc phục?

Chí Long LDO | 16/08/2022 14:38
Áo dài được xem là một trong những biểu tượng của văn hóa Việt, tuy nhiên chưa có bất kỳ văn bản hay quyết định nào công nhận áo dài là quốc phục. Xung quanh câu chuyện về quốc phục thường gây tranh cãi nhiều chiều.

Áo dài chưa trở thành quốc phục Việt Nam

Được hình thành và phát triển theo chặng dài lịch sử, áo dài đã trở thành nét đẹp văn hóa, biểu tượng đặc trưng cho người phụ nữ Việt. Tuy nhiên, đến nay áo dài chưa trở thành quốc phục. Và Việt Nam chưa có quốc phục.

Quốc phục được hiểu là y phục đặc biệt riêng của dân tộc một quốc gia. Quốc phục sẽ được mặc trong những ngày lễ, ngày hội, sự kiện quan trọng.

Ở Việt Nam, Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng chỉ đạo Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch) sớm ban hành quy định về quốc phục từ những năm 1996 -1997.

Trong đó, áo dài luôn nằm trong đề án trở thành quốc phục dân tộc, lễ phục nhà nước nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện.

Áo dài chưa trở thành quốc phục chính thức của Việt Nam. Ảnh: Song Toàn

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự trì hoãn trên, bao gồm những tranh cãi xoay quanh bộ mẫu áo dài để phổ biến, không tạo được sự đồng thuận về lễ phục của nam giới, những ý kiến trái chiều, quan điểm khác nhau về quốc phục... và cả vấn đề về pháp lý.

Cụ thể, hiện tại, không rõ cấp nào, ai có thẩm quyền công nhận, phê duyệt chính thức văn bản hành chính về biểu tượng văn hóa của dân tộc, trong đó có quốc phục, quốc hoa Việt Nam.

Vì thế, cho đến nay cũng không thể có văn bản, quy định nào xác minh áo dài hay bất kỳ trang phục nào khác là quốc phục.

Quốc phục luôn gây tranh cãi

Mặc dù không được chính thức xem là quốc phục của dân tộc nhưng áo dài được phụ nữ Việt thường xuyên sử dụng, mặc vào những dịp lễ, hội, sự kiện quan trọng. Dường như trong tâm thức của nhiều người áo dài đã thực hiện chức năng như quốc phục Việt Nam cho phái nữ.

Với nam giới, câu chuyện về lễ phục, quốc phục trở nên phức tạp hơn.

Cách đây 2 năm, ở tỉnh Thừa Thiên - Huế dấy lên tranh cãi trái chiều xoay quanh chuyện các nam công chức mặc bộ áo dài ngũ thân truyền thống, khăn đóng, giày Tây đến công sở làm việc trong buổi chào cờ đầu tháng.

Đơn vị này còn áp dụng quy định mặc áo dài truyền thống vào thứ 2 đầu mỗi tháng, loại trừ những người thường xuyên ra ngoài làm việc.

 Các nam công chức mặc áo dài ngũ thân đi làm gây tranh cãi. Ảnh: Thanh Phong

Sau khi hoạt động được lan tỏa trên mạng xã hội, một số ý kiến tỏ ra tán dương, cho rằng đó là cách để gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, truyền thống của bộ áo dài dân tộc từ bao đời nay. Mặt khác, cũng có không ít ý kiến chê bai, chỉ trích trang phục không phù hợp, mặc không đúng lúc, đúng chỗ, thậm chí nhiều ý kiến cho rằng trang phục này vướng víu, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc...

Đó chỉ là một trong rất nhiều cuộc tranh cãi xoay quanh áo dài truyền thống cho nam giới ở Việt Nam. Vậy, có cần thiết phải có quốc phục? Thiết kế quốc phục như thế nào cho vừa lòng số đông, khi "chín người mười ý"?

Trao đổi với phóng viên Lao Động, nhà thiết kế áo dài, hoa hậu Ngọc Hân bày tỏ: "Theo tôi, nên có quốc phục cho Việt Nam, và áo dài từ lâu đã là một biểu tượng về văn hóa. Việc diện quốc phục trong những nghi lễ quan trọng, trong những buổi giao lưu quốc tế cũng là một cách quảng bá văn hóa truyền thống của Việt Nam đến bạn bè thế giới.

Bản thân tôi thích mặc áo dài trong những sự kiện quốc tế và thường xuyên nhận được sự hưởng ứng từ mọi người ở trong lẫn ngoài nước. Đó là một dịp rất quan trọng để chúng ta có thể nổi bật hơn trong sự kiện, tạo được ấn tượng với mọi người thay vì diện vest đại trà. Mặc trang phục truyền thống là cách tuyệt vời để quảng bá văn hóa dân tộc, dù là với nam hay nữ".

Hoa hậu Ngọc Hân ủng hộ quan điểm nên có quốc phục áo dài Việt Nam cho cả nam và nữ. Ảnh: FBNV

Trong khi đó, Song Toàn - bộ đôi NTK nổi tiếng trong lĩnh vực thiết kế áo dài Việt Nam nêu quan điểm: "Việt Nam cần có quốc phục. Mà đã gọi là quốc phục thì phải dành cho mọi giới tính và tầng lớp trong xã hội của một quốc gia. Không riêng gì phụ nữ, nam giới và tất cả người dân Việt Nam đều nên mặc quốc phục".

Hai nhà thiết kế trẻ cũng khẳng định vai trò quan trọng của quốc phục. Đó không chỉ là chiếc áo dài để mặc, mà còn thể hiện vẻ đẹp của đất nước, của văn hoá dân tộc, là dấu hiệu để bạn bè quốc tế nhìn vào và nhận biết ta đến từ đâu. NTK Song Toàn cho rằng áo dài cho nam giới không thuận tiện bằng vest thì có thể thiết kế sao cho thuận tiện, không nên vì điều đó mà... bàn lùi.

Mặt khác, ở bài viết gần đây của ông Võ Hồng Phúc - nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng bày tỏ quan điểm riêng về quốc phục:

"Đến bao giờ ta có lại được bộ Quốc phục để cho những người làm công tác đối ngoại sánh vai cùng các bộ quốc phục của các nước?

Để cho những người làm công tác đối ngoại dễ mặc, dễ đi, dễ đứng và dễ nói! Biết đến bao giờ? Gần ba mươi năm đã qua, kể từ ngày Thủ tướng Võ Văn Kiệt giao nhiệm vụ!".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn