MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vị vua lên ngôi năm 6 tuổi, sau 8 tháng phải nhường ngai vàng trở thành phế đế

Thùy Trang LDO | 05/07/2024 13:29

Giữa thời điểm nhà Đinh suy yếu, triều đình suy tôn Lê Hoàn (Lê Đại Hành) lên làm vua, trị vì thay Đinh Toàn khi ấy mới 6 tuổi.

Dòng Bạch Đằng giang ba lần đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc nhờ chiến công lẫy lừng của Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Trần Hưng Đạo.

Trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng gắn liền với Lê Đại Hành trong bối cảnh nhà Đinh suy yếu, nhà Tiền Lê ra đời.

Lê Đại Hành lên ngôi sau khi Đinh Toàn - con trai của vua Đinh Tiên Hoàng và Dương Vân Nga - nối ngôi cha khi mới 6 tuổi.

Theo sách "Đại Việt sử ký toàn thư", Đinh Phế Đế tên thật Đinh Toàn, là vị vua thứ 2 của nhà Đinh, con trai vua Đinh Tiên Hoàng. Tuy nhiên, ông ít được nhắc đến trong sử sách, qua đời khi mới 27 tuổi.

Khi vua Đinh Tiên Hoàng trị vì nhà Đinh luôn có Lê Đại Hành (Lê Hoàn) là cánh tay đắc lực. Vốn là người trí dũng, Lê Hoàn được Đinh Tiên Hoàng giao cho cai quản hàng ngàn quân sĩ.

Trong sách "Lịch triều hiến chương loại chí" có ghi, cuối năm 979, Đinh Tiên Hoàng và thế tử Đinh Liễn bị ám sát, con thứ Đinh Toàn mới 6 tuổi lên nối ngôi, triều đình nhà Đinh suy yếu.

Theo "Đại Việt sử ký toàn thư", ngay khi Đinh Toàn lên ngôi, biết tin vua còn nhỏ, nhà Tống âm mưu phái quân sang xâm lược. Trong tình thế nước nhà nguy cấp, Thái hậu Dương Vân Nga (mẹ Đinh Toàn) đã nhường ngôi báu nhà Đinh cho Lê Hoàn.

Sau 8 tháng Đinh Toàn làm vua nước Việt, Đinh Toàn trở thành Đinh Phế Đế, được tân đế là Lê Hoàn phong làm Vệ Vương trong kinh thành Hoa Lư suốt 20 năm.

Theo sách "Khâm Định Việt sử Thông giám Cương mục", năm 1001, Vệ Vương Đinh Toàn cùng vua Lê Hoàn kéo quân dẹp loạn ở vùng Cử Long (Cẩm Thủy, Thanh Hóa ngày nay).

Ông bị quân địch bắn lén bằng cung tên, chết ngay giữa trận tiền khi mới 27 tuổi. Sau khi qua đời, Đinh Toàn được thờ cúng cùng cha và anh em tại Hoa Lư (Ninh Bình).

Đinh Toàn là vị hoàng đế cuối cùng của triều đại nhà Đinh, chỉ làm vua 8 tháng nên sử gọi là vua Phế Đế.

Tượng vua Lê Đại Hành. Ảnh: Di tích Bạch Đằng Giang

Sau khi Lê Đại Hành lên ngôi, thấy quyền hành nhà Đinh ngày càng rơi vào tay ông, một số đại thần kéo binh đánh nhưng thua trận.

Nhà Tống lấy cớ Lê Đại Hành tự xưng đế, đổi niên hiệu để đem quân thôn tính. Mùa xuân năm 981, 4 vạn quân Tống do Hầu Nhân Bảo chỉ huy theo hai đường thủy, bộ đánh chiếm nước ta.

Lê Đại Hành thân chinh làm tướng cầm quân, cho xây thành Bình Lỗ, sai quân sĩ đóng cọc ngăn sông dựa vào địa thế hiểm trở của sông Bạch Đằng.

Ngày 28.4.981, trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng diễn ra, Lê Đại Hành đã cho một cánh quân ra khiêu chiến với quân địch, Hầu Nhân Bảo trúng kế đuổi theo và lọt vào trận địa mai phục.

Lúc này, các chiến binh Đại Cồ Việt từ khắp các nẻo đường đổ về sông Bạch Đằng vây đánh quân Tống quyết liệt. Hầu Nhân Bảo bị giết chết, quét sạch quân tống khỏi bờ cõi.

Đại thắng Bạch Đằng năm 981 khiến nhà Tống phải kính nể tài năng và bản lĩnh của Lê Đại Hành, xuống nước công nhận ông là vua của Đại Cồ Việt.

Đại thắng Bạch Đằng năm 981 được ghi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta như một chiến công chói lọi. Ảnh: Di tích Bạch Đằng giang

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn