MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chùa Hoa Lâm, (tại thôn Xuân Áng Nội, xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư, Ninh Bình) là di tích cấp tỉnh nhưng đã xuống cấp từ nhiều năm nay. Ảnh: Diệu Anh

Việc bảo vệ, trùng tu các di tích ở Ninh Bình gặp khó khăn về nguồn vốn

DIỆU ANH LDO | 21/09/2023 16:34

Ninh Bình - Hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 1.821 di tích được kiểm kê, thuộc nhiều loại hình khác nhau, trong đó có nhiều di tích đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được đầu tư tu bổ do gặp khó khăn về nguồn kinh phí.

Báo Lao Động ngày 12.9 có bài "Hàng loạt di tích tại Ninh Bình kêu cứu", phản ánh hàng loạt di tích trên địa bàn tỉnh này đã và đang xuống cấp trầm trọng nhưng chưa được tu bổ, trùng tu.

Hiện nay việc bảo vệ, trùng tu các di tích này đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về nguồn kinh phí.

Bà Vũ Thanh Lịch, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao tỉnh Ninh Bình cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 1.821 di tích được kiểm kê, thuộc nhiều loại hình khác nhau, trong đó có 314 di tích cấp tỉnh, 78 di tích cấp Quốc gia, 3 di tích cấp Quốc gia đặc biệt và 1 Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới.

Phần mái của ngôi chùa Hoa Lâm (xã Ninh Xuân, huyện Hao Lư, Ninh Bình) đã bị mục nát, phải dùng bạt che lại để nước mưa không dột vào bên trong. Ảnh: Diệu Anh

Đa phần các di tích đều có niên đại hàng trăm năm, được xây dựng bằng các vật liệu dễ bị tác động bởi thời tiết nên đã có sự xuống cấp và không đáp ứng về kiến trúc, thẩm mỹ làm giảm giá trị của di tích.

Những năm qua, Ninh Bình cũng đã đầu tư, tu bổ và phát huy giá trị văn hóa của nhiều di tích đình, chùa, đền như ban hành các văn bản quản lý, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, ngành, đơn vị, địa phương. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Ninh Bình đã chi hơn 132 tỉ đồng từ ngân sách để hỗ trợ tu bổ chống xuống cấp 99 di tích.

"Việc huy động nguồn kinh phí xã hội hóa trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích còn gặp nhiều khó khăn. Tỉnh Ninh Bình đã nỗ lực bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương, tranh thủ các nguồn vốn Trung ương, kết hợp các Chương trình mục tiêu... cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích nhưng do số lượng di tích nhiều, mức độ xuống cấp và nhu cầu vốn đầu tư lớn nên cần tiếp tục có kế hoạch huy động và bố trí nguồn lực cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích trong dài hạn" - bà Lịch cho hay.

Đa phần các di tích đều có niên đại hàng trăm năm, được xây dựng bằng các vật liệu dễ bị tác động bởi thời tiết nên đã có sự xuống cấp. Ảnh: Diệu Anh

Cũng theo bà Lịch, trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục rà soát, kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về di sản văn hóa để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích. Chú trọng việc xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Tỉnh Ninh Bình cũng đã giao cho các đơn vị liên quan, tiếp tục rà soát, đánh giá tổng thể hiện trạng di tích trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, đề xuất nhu cầu đầu tư, tu bổ, tôn tạo, xây dựng Đề án tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh Ninh Bình để có kế hoạch và lộ trình thực hiện cụ thể. Đồng thời, đẩy mạnh mạnh công tác xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, đặc biệt là công tác trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử - văn hoá.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn