MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một tiết mục nghệ thuật tại lễ khai mạc Tuần văn hóa Lào tại Việt Nam. Ảnh: VGP

Việt Nam - Lào: Giao lưu, tiếp biến văn hóa đi vào chiều sâu, thực chất

Diệu Linh LDO | 21/07/2022 10:16
Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin, Văn hoá và Du lịch Lào hướng đến việc tăng cường hợp tác, thúc đẩy mối quan hệ đi vào chiều sâu và lên tầm cao mới.     

Điểm nhấn “tuần văn hoá” 

Trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 45 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào, chào mừng Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2022, nhiều hoạt động văn hoá ý nghĩa đã diễn ra. 

Điểm nhấn là sự kiện “Tuần Văn hóa Lào tại Việt Nam”, “Tuần Văn hóa Việt Nam tại Lào” cùng chuỗi các sự kiện trọng đại trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong năm 2022 có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào.

Trong dịp này, nhân dân Việt Nam-Lào, đặc biệt là thế hệ trẻ hai nước cùng bạn bè quốc tế có cơ hội hiểu rõ hơn về nền văn hóa Việt Nam và văn hóa Lào thông qua các chương trình biểu diễn nghệ thuật ca, múa, nhạc truyền thống, đặc sắc của hai dân tộc; thông qua các triển lãm ảnh giới thiệu vẻ đẹp đất nước, con người, văn hóa hai nước. 

Tại triển lãm ảnh “Tình hữu nghị Lào - Việt Nam đời đời bền vững”, với 100 hình ảnh, tư liệu quý Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào mang tới Việt Nam lần này, đã giới thiệu tới công chúng Việt Nam văn hóa, đất nước, con người, tiềm năng du lịch Lào, mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, khẳng định quyết tâm của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước không ngừng vun đắp mối quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. 

Trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần Văn hóa Việt Nam tại Lào, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Lào phối hợp với Học viện Mỹ thuật Quốc gia Lào tổ chức khai mạc Trại điêu khắc và vẽ tranh cổ động tại Lào. Đây là lần đầu tiên tại Lào có một Trại điêu khắc và vẽ tranh cổ động được tổ chức cho chuyên ngành mỹ thuật của Lào, tạo sân chơi cho các tác giả được giao lưu, sáng tác những tác phẩm điêu khắc, vẽ tranh cổ động. Theo đó, các tác giả chuyên và không chuyên đã tìm hiểu, nghiên cứu, cảm nhận bằng trái tim chân thành về mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào, đã góp phần tăng cường giáo dục về lịch sử quan hệ Việt Nam-Lào. 

Chương trình nghệ thuật “Hồn sen Việt-Hương sắc Chăm Pa” tại thủ đô Viêng Chăn, Lào để lại nhiều ấn tượng. Chương trình nghệ thuật được xây dựng trên nền tảng ý tưởng ca ngợi tình đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa hai đất nước Việt-Lào. 

Đây là một bức tranh tổng hòa ngợi ca mối tình thủy chung son sắt giữa hai đất nước Việt-Lào anh em... Đồng thời ghi dấu mốc son lịch sử quan trọng trong quan hệ truyền thống, láng giềng, hữu nghị giữa hai quốc gia. 

Đi vào chiều sâu, thực chất 

Cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng với Uỷ viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bộ trưởng Bộ Thông tin, Văn hoá và Du lịch Lào Suansavanh Viyaketh (hôm 19.7), đã đi sâu vào từng lĩnh vực hợp tác cụ thể, giúp lãnh đạo hai Bộ nắm thêm tình hình hoạt động trong lĩnh vực quản lý nhà nước mà hai Bộ đang phụ trách, từ đó tăng cường hợp tác, thúc đẩy mối quan hệ đi vào chiều sâu và lên tầm cao mới.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, trước hết nhìn từ góc độ văn hoá, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam là đặt văn hóa ngang với kinh tế và chính trị, xác định phát triển văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm vì văn hóa là động lực của sự phát triển.

Nền văn hóa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhưng xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc không có nghĩa là bó kín trong không gian hẹp mà phải giao lưu, tiếp biến với các nền văn hoá, văn minh của nhân loại. Trong đó, văn hóa Việt Nam và văn hóa Lào có rất nhiều điểm tương đồng, nếu biết trao đổi, phát huy sẽ tạo ra hiệu ứng rất tốt cho quá trình phát triển của văn hóa hai nước.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng mong muốn ngoài việc tổ chức các chương trình như tuần lễ văn hóa ở hai quốc gia mà hai nước đang làm thì việc giao lưu văn hóa phải được lan tỏa rộng và sâu hơn, tới cả các địa phương, người dân mỗi địa phương sẽ trở thành chủ thể tổ chức các hoạt động giao lưu văn hoá. Đặc biệt là các địa phương của Việt Nam và Lào có chung đường biên giới.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng đề cập đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực văn hoá, du lịch, nhấn mạnh rằng, trước hết muốn làm du lịch thì phải có người biết về du lịch, hiểu được du lịch. 

Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào có thể phối hợp gửi thêm sinh viên Lào sang Việt Nam để đào tạo về lĩnh vực du lịch, không chỉ đi theo diện học bổng của Chính phủ mà còn có thể đi theo diện du học sinh. Đối với nhân lực cho ngành văn hoá, hiện Bộ VHTTDL Việt Nam đang được giao đào tạo sinh viên lĩnh vực xiếc, múa, thể thao… đây có thể coi là các “hạt giống đỏ” để xây dựng phong trào tại Lào. 

Bộ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào Suansavanh Viyaketh cho rằng, giữ gìn, tôn tạo các giá trị văn hóa là vấn đề rất quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với mỗi quốc gia, đồng thời văn hóa cũng là nguồn quan trọng để phục vụ phát triển du lịch. 

Đối với đường mòn Hồ Chí Minh trên đất Lào, Bộ trưởng Suansavanh Viyaketh cho biết, phía Lào đã bàn bạc để lập hồ sơ chi tiết về việc công nhận đường mòn Hồ Chí Minh là di tích cấp quốc gia.

Về đề xuất UNESCO công nhận Hin Nậm Nô là di sản thiên nhiên thế giới của Lào, Bộ trưởng Suansavanh Viyaketh mong muốn nhận được sự ủng hộ tối đa của Việt Nam và cho biết sẽ sớm cử đoàn làm việc với phía Việt Nam để trao đổi những vấn đề cụ thể.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn