MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khách quốc tế theo siêu du thuyền 5 sao thăm vịnh Hạ Long. Ảnh: Nguyễn Hùng

Việt Nam sớm bắt sóng xu hướng du lịch toàn cầu

Trà My LDO | 23/01/2024 06:43

Thị trường du lịch quốc tế toàn cầu sẽ phục hồi về mức trước đại dịch vào năm 2024, theo Tổ chức Du lịch Thế giới Liên Hợp Quốc (UNWTO). Du lịch Việt Nam sẽ không đứng ngoài xu hướng này.

Dự báo lạc quan

Báo cáo của UNWTO giải thích rằng, “sự phục hồi mạnh mẽ hơn của thị trường châu Á” và mức gia tăng tương ứng về hoạt động kết nối hàng không “dự kiến ​​sẽ củng cố sự phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024”.

Tổng thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili cho biết: “Dữ liệu mới nhất của UNWTO nhấn mạnh khả năng phục hồi và phục hồi nhanh chóng của ngành du lịch, với con số trở lại mức trước đại dịch dự kiến ​​​​vào cuối năm 2024”.

Một trong những động lực tăng trưởng đến từ hoạt động du lịch trong và ngoài nước của thị trường Trung Quốc - dự kiến ​​sẽ tăng tốc vào năm 2024, nhờ chính sách visa thuận lợi và năng lực phục vụ của ngành hàng không được cải thiện.

Ông Pololikashvili đánh giá sự phục hồi của ngành du lịch năm 2023 tác động đáng kể đến nền kinh tế, việc làm, tốc độ tăng trưởng và cơ hội cho cộng đồng khắp nơi trên thế giới.

Đồng thời, nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng là thúc đẩy sự bền vững và hòa nhập trong phát triển du lịch.

Phong vũ biểu đầu tiên của UNWTO về hoạt động du lịch outbound trên toàn cầu trong năm qua cho thấy, ước tính có khoảng 1,3 tỉ lượt khách du lịch quốc tế vào năm 2023, chiếm 88% mức trước đại dịch. Doanh thu du lịch quốc tế đạt 1,4 nghìn tỉ USD vào năm 2023, bằng 93% trong số 1,5 nghìn tỉ USD năm 2019.

Việt Nam không đứng ngoài làn sóng phục hồi

Năm 2023, ngành du lịch đạt nhiều kết quả tích cực, khi thị trường quốc tế đạt 12,6 triệu lượt khách và phục hồi 70% so với năm 2019, còn thị trường nội địa vượt 6% so với kế hoạch khi đạt 108,2 triệu lượt. Dù vậy, ngành du lịch còn một số tồn tại, hạn chế, nhất là trong công tác hoạch định chính sách và chiến lược dài hạn.

Để tăng tốc phục hồi bền vững, ngành du lịch cần hoạch định chính sách và chiến lược dài hạn. Một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả của chiến lược và chính sách chính là nguồn dữ liệu - vốn cần công tác điều tra, thống kê du lịch đầy đủ, chính xác, đồng bộ.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Bộ Thông tin - Truyền thông khẩn trương phổ biến và triển khai nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch theo Nghị quyết số 82, hoàn thành trong quý II/ 2024.

Trả lời Lao Động, ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch Liên Chi hội Lữ hành Việt Nam, cho rằng, thống kê chính xác có vai trò rất lớn trong điều phối hoạt động du lịch và phối hợp với các ngành liên quan.

Đơn cử, dựa trên số liệu về lượng khách, ngành du lịch có thể phối hợp với ngành hàng không để điều tiết lượng khách tới các điểm. Khi có thể dự đoán một điểm đến sắp đón lượng khách đông, thậm chí tăng đột biến, các bộ, ngành liên quan có thể đưa ra biện pháp ứng phó kịp thời để điều chỉnh tốc độ tăng trưởng, làm sao đảm bảo chất lượng cung ứng dịch vụ của điểm đến tốt nhất.

Ông Phùng Quang Thắng nhấn mạnh, dữ liệu càng chính xác, kịp thời càng có ý nghĩa to lớn trong hoạch định chính sách, đặc biệt trong bối cảnh ngành du lịch phải chịu ảnh hưởng rất nhiều yếu tố khách quan, biến động từ tình hình kinh tế, chính trị thế giới.

Bên cạnh đó, những con số thống kê chính xác còn giúp doanh nghiệp nói riêng và ngành du lịch nói chung tiết kiệm rất nhiều chi phí. Bởi, khi có cái nhìn tổng thể và định lượng chính xác về xu hướng thị trường, doanh nghiệp sẽ biết cách để điều chỉnh sản phẩm, định hướng kinh doanh, lên kế hoạch và triển khai linh động theo biến động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn