MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xoè Thái được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hoá phi vật thể hồi cuối năm 2021. Ảnh: Sơn Tùng

Việt Nam trúng cử làm thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước bảo vệ DSVH phi vật thể: Phát huy những giá trị Việt Nam

Th.S Lý Viết Trường - Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, ĐHQGHN LDO | 11/07/2022 06:30

Theo Cục di sản văn hóa, tính đến nay cả nước có hơn 400 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) quốc gia. Trong đó, 14 DSVHPVT đã được UNESCO ghi danh vào danh sách DSVHPVT đại diện của nhân loại. Với nguồn lực phong phú và đa dạng, DSVHPVT đang có những đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững đất nước.

Nhận diện di sản văn hóa phi vật thể

DSVHPVT là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được sáng tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác.

Ở Việt Nam, DSVHPVT chia thành 7 lĩnh vực, gồm: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống; tri thức dân gian.

Cách phân loại này có tính pháp lý và được thể hiện rõ nhất trong việc kiểm kê DSVHPVT, ghi danh DSVHPVT vào danh mục DSVHPVT quốc gia và một số hoạt động liên quan. Tính đến tháng 6.2022, Việt Nam có hơn 400 DSVHPVT đã được công nhận ở cấp quốc gia, 14 DSVHPVT đã được UNESCO ghi danh vào danh mục DSVHPVT đại diện của nhân loại.

Theo TS Nguyễn Thị Thanh Hòa - Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, DSVHPVT có những tính chất chủ yếu sau: “1. DSVHPVT mang tính trừu tượng cao, khó nắm bắt; 2. DSVHPVT được chuyển giao qua nhiều thế hệ, thường xuyên sáng tạo để thích nghi với bối cảnh sống; 3. DSVHPVT là đại diện cho bản sắc dân tộc, thông qua DSVHPVT chúng ta có thể hiểu hơn về quan niệm, suy nghĩ, tâm tư, tình cảm, lối sống của cộng đồng; 4. DSVHPVT thể hiện tính cộng đồng, được đông đảo người dân cùng tham gia sáng tạo và thực hành”.

Giá trị của di sản văn hóa phi vật thể

DSVHPVT có những giá trị sau: Sự ra đời và phát triển của các DSVHPVT gắn liền với lịch sử của mỗi dân tộc, thông qua những di sản còn tồn tại người ta hiểu được trình độ nhận thức, lối sống của cộng đồng dân cư trong từng giai đoạn lịch sử; sự xuất hiện của các loại hình nghệ thuật biểu diễn cho thấy sức sáng tạo dồi dào của con người, giá trị nghệ thuật phản ánh quan niệm thẩm mỹ của con người, là nền tảng để các loại hình nghệ thuật hoàn thiện và phát triển; mỗi loại hình DSVHPVT chứa đựng một kho tàng kiến thức, tư duy khoa học của cộng đồng.

Cũng theo TS Nguyễn Thị Thanh Hòa, DSVHPVT còn mang giá trị gắn kết dân tộc: “Mỗi di sản văn hóa phi vật thể ra đời là kết quả của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa các cộng đồng dân cư trong mỗi vùng miền, mỗi quốc gia, dân tộc. Do đó việc bảo tồn, phổ biến các DSVHPVT là cầu nối giữa các nền văn hóa giúp cho con người ở các quốc gia tăng thêm sự hiểu biết, tôn trọng, hợp tác lẫn nhau trong bối cảnh hội nhập toàn cầu”.

Ngoài ra DSVHPVT còn có giá trị về kinh tế, những tri thức và kỹ năng được truyền tải trong cộng đồng là nền tảng để các dân tộc xây dựng các sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch. Phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế, lấy DSVHPVT làm nền tảng là hướng đi khả thi trong bối cảnh hiện nay.

DSVHPVT có giá trị to lớn như vậy, nên việc bảo vệ DSVHPVT là nhiệm vụ quan trọng, góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Hiện nay có hai cách thức bảo vệ DSVHPVT chính đang được thực hiện: Bảo vệ trong trạng thái tĩnh, tức là tiến hành điều tra, sưu tầm, thu thập các dạng thức văn hóa, lưu giữ chúng trong sách vở, phim ảnh; Bảo vệ trong trạng thái động, tức là xây dựng chính sách để DSVHPVT tồn tại ngay chính trong đời sống cộng đồng.

Ngày 6.7.2022, tại Paris, Pháp, trong khuôn khổ Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 9 các quốc gia thành viên Công ước Bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể (Công ước 2003), Việt Nam đã trúng cử làm thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (Công ước 2003) nhiệm kỳ 2022-2026 với 120 phiếu, cao nhất trong số các nước trúng cử. 

Đây là lần thứ 2 Việt Nam đảm nhận trọng trách này tại cơ quan điều hành then chốt về văn hóa của UNESCO. Điều này có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, thể hiện vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế, thể hiện sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với khả năng đóng góp và năng lực điều hành của Việt Nam tại các thể chế đa phương toàn cầu, là sự ghi nhận đối với những đóng góp của Việt Nam trong quan hệ với UNESCO trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể trong nước và trên thế giới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn