MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

“Viết văn như cuộc đối thoại với chính mình”

Việt Văn (thực hiện) LDO | 14/01/2021 08:00
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Công Thắng sẽ ra mắt tập truyện ngắn đầu tay có tựa đề “Ngã rẽ” tại Không gian văn hóa Đông Tây (Thanh Xuân, Hà Nội) sáng 16.1. Cuốn sách tập hợp 17 truyện ngắn của Phạm Công Thắng, trong đó nhiều truyện đã đăng trên các báo “Lao Động”, “Công an nhân dân”, “Thanh niên cuối tuần”, “Người Hà Nội”, “Tiền phong cuối tuần”, “Thời báo Văn học nghệ thuật”… và đã đọc trên VOV6 (Đài tiếng nói Việt Nam). Một cuộc trò chuyện với Phạm Công Thắng về “ngã rẽ” bất ngờ của ông.

Vì sao ông lấy tựa đề “Ngã rẽ”, phải chăng đó cũng là một ngã rẽ của chính ông từ nhiếp ảnh sang văn học?

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Công Thắng. Ảnh: V.V
- “Ngã rẽ” là tên một truyện ngắn trong tập và cũng là ngã rẽ của chính tôi. Đang từ sân chơi nhiếp ảnh, báo chí bỗng nhiên rẽ sang văn học từ hơn 1 năm nay. Lúc đầu, tôi chỉ viết chơi trên facebook cá nhân, sau được bạn bè động viên nên tôi thử sức mình gửi truyện đi các báo, tạp chí và may mắn một số được chọn đăng. Tôi nghĩ mình cũng đang tập viết…

Vì sao ông không còn dành cho nhiếp ảnh một tình yêu trọn vẹn. Vì nó không làm ông thỏa mãn hay bởi ông phát hiện ra một con người khác trong con người mình?

- Có 2 lý do. Vì nhiếp ảnh và báo chí chưa nói hết được những tâm tư, giãi bày của tôi. Rồi có những lúc, tôi quá chán nhiếp ảnh vì sân chơi này ở ta có nhiều vấn đề cần phải xem xét và chấn hưng lại trong định hướng sáng tác, và nhân cách, bản lĩnh nghệ sĩ. Nạn “đạo ảnh” và hiện tượng mua bán giải ở một số cuộc thi làm những nghệ sĩ chân chính, những người sáng tác thực sự trong đó có tôi thất vọng.

Lý do thứ hai vì tôi thích khám phá, thử sức, và đã đam mê ở nhiều lĩnh vực từ chơi tem thư, sách cổ, đồ cổ… Thời gian hơn 1 năm ở nhà mùa COVID-19, tôi hay viết tản văn, chợt nghĩ sao không viết cái gì sâu hơn có ý nghĩa hơn. Thế là “Hiệp công tử” - truyện ngắn đầu tiên tôi viết đưa lên mạng được bạn bè khen ngợi, động viên khiến tôi hào hứng tiếp tục viết. Tôi gửi truyện cho Quán chiêu văn, rồi được mời gửi đăng ở Tạp chí Văn Hiến… và rồi mọi chuyện cứ diễn ra tự nhiên.

Sự khác biệt hoàn toàn giữa tư duy ngôn từ và tư duy hình ảnh có làm khó cho ông? Chủ đề chính trong truyện của ông?

- Văn chương là sân chơi mới thực sự cam go và đầy thử thách, câu chữ, ngôn từ và ý tứ phải chắt lọc và sâu hơn viết báo nhiều. Ban đầu, tôi chỉ xác định chơi vui, viết văn như cuộc đối thoại với chính mình, rồi viết cho gia đình, bạn bè, dần dần mới quyết định từng bước đưa ra xã hội, thị trường. Tình yêu và thế sự là chủ đề chính trong các truyện ngắn của tôi.

Ông chủ yếu viết từ những trải nghiệm của chính mình hay có sự pha trộn của trí tưởng tượng?

- Truyện của tôi có sự đan xen của nhiều yếu tố: Người thật, nhân vật thật, con người của tác giả và cả sự tưởng tượng. Nhân vật thật như trong truyện ngắn “Cường đen” chính là một tay giang hồ từ bé, vào tù ra tội, đủ trải nghiệm và cũng được tôi mời đến giao lưu, ra mắt sách. Hay “Chuyện giờ mới kể” là câu chuyện về liệt sĩ Bùi Tường Vân, chiến sĩ thuộc đơn vị pháo binh đầu tiên tại Tuyên Quang, hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Ngoài ra có khi tôi mường tượng, hư cấu ra những câu chuyện tình dưới âm phủ, hay giấc mơ ở thế giới bên kia. Ngày bé, tôi học văn rất bình thường, lớn lên cũng không đọc sách nhiều nhưng tôi lại hay tưởng tượng.

Sau tập truyện ngắn này, ông sẽ tiếp tục hành trình sáng tạo như thế nào?

- Tập sách đầu tiên này là để tri ân bạn bè, những người anh, người chú, người bác yêu thương mình có ảnh hưởng, tác động đến cuộc đời tôi như nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà thơ Vũ Quần Phương, đạo diễn Lê Chức… Cuối năm nay, tôi sẽ ra mắt tiếp tập truyện ngắn nữa, sẽ chắt lọc hơn, “ngon lành” hơn. Còn xa hơn nữa, thì tôi vẫn viết… và hy vọng tác phẩm ngày càng hay hơn được bạn đọc đón nhận và yêu mến.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Công Thắng sinh năm 1953, nguyên là phóng viên tạp chí Hàng không Việt Nam, đoạt một số giải thưởng nhiếp ảnh trong nước và quốc tế, có 2 triển lãm cá nhân “Quê hương” (1999) và “Khoảnh khắc” (2011), 2 tập sách ảnh cá nhân “Lãng du cùng Phạm Công Thắng” (2017 & 2020). Tập truyện ngắn đầu tay “Ngã rẽ” (NXB Văn học) dày trên 250 trang, với lời giới thiệu của nhà lý luận phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên, trong có đoạn: “Truyện ngắn của Phạm Công Thắng ngồn ngộn, đầy ắp chất liệu cuộc sống với nhiều chiều kích khác nhau, kể cả mặt sáng và mặt tối của xã hội”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn