MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà thơ, Nhà văn Hoàng Việt Hằng. Ảnh: Hải Nguyễn

Viết về người lao động vất vả nhưng giàu lòng yêu thương để sống tốt đẹp hơn

Huyền Chi LDO | 22/11/2023 06:06

Đó là chia sẻ của nhà văn Hoàng Việt Hằng tại Họp báo Tổng kết và trao giải Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn (ngày 20.11). Theo bà, để viết được tiểu thuyết không phải chỉ cần vốn sống, mà phải đi nhiều hiểu nhiều mới có thể viết được. Viết về công nhân hay công đoàn thì ta vẫn phải viết về phận người.

Nhà văn tâm sự: “Người công nhân của 40 năm trước khác xa so với bây giờ, nhưng nhìn chung họ là người làm thật ăn giả, sống chật hẹp, nghèo khổ. Khi được tạo điều kiện về vùng mỏ Quảng Ninh, tôi thấy đời sống công nhân được cải thiện, công đoàn đã giúp họ thay đổi toàn bộ cuộc đời, có cuộc sống tốt hơn”.

Trước đó, trong cuộc trao đổi riêng với Lao Động khi Cuộc thi đang diễn ra, Nhà văn Hoàng Việt Hằng đã nói về hành trình sáng tác của mình: “Hai năm vừa rồi tôi đã viết xong “Thời gian trong cõi tạm”. Đây là tiểu thuyết mà nhờ cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn, tôi đã cố gắng viết xong.

“Viết về số phận những người công nhân xây dựng Hà Nội xửa xưa ấy. Tôi mơ ước biết đâu sau này, thế hệ trẻ, các bạn còn tóc đen, môi thắm, dưới ánh đèn, các bạn đọc lại những số phận mà tôi ghi chép lại, các bạn sẽ thấy Hà Nội có những nhà máy cơ khí, Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Rạp xiếc Trung ương... và những công trình nguy nga khác đều từ đôi bàn tay vàng, những người thợ đã xây lên.

Tôi muốn ghi chép lại những số phận người lao động của thời ấy để sống lại thời kỳ bao cấp, khốn khổ vì bom đạn nhưng con người vô cùng thương yêu nhau và vì nhau. Khác hẳn thời bây giờ con người đầy đủ, nhưng tham lam và có những tâm hồn vô cảm. Sự vô cảm của họ đã làm cho tôi cảm thấy nhà văn phải có trách nhiệm viết về người lao động vất vả nhưng giàu lòng yêu thương, biết chia sẻ, để thế hệ trẻ soi vào, sống tốt đẹp hơn” - Nhà văn Hoàng Việt Hằng nói.

Với Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn, bạn đọc có thể nhìn nhận đầy đủ, chia sẻ và thấu hiểu đời sống, việc làm, vai trò, vị trí của người công nhân và giai cấp công nhân trong tình hình mới.

Cuộc thi còn tạo cơ hội để các nhà văn chuyên nghiệp và không chuyên sáng tạo những tác phẩm văn học phản ánh tâm tư, nguyện vọng, thực tiễn phong phú, nhiều màu sắc về đời sống, việc làm của người công nhân, khích lệ, động viên công nhân hăng say lao động, đổi mới sáng tạo; tôn vinh lực lượng tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; về vai trò, hoạt động thiết thực, hiệu quả của tổ chức Công đoàn, góp phần phát triển văn hóa đọc, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của cán bộ, đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động.

Ông Hoàng Dự (tác giả tiểu thuyết “Nước mắt làng quê”) cho biết: “Đề tài về công nhân, công đoàn là một mảng rất lớn, đã có nhiều tượng đài. Trải qua quá trình đổi mới, ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, đúng là đề tài này thiếu vắng những tác phẩm lớn. Tôi rất trân trọng cuộc thi này. Từ lâu rồi, mới có một cuộc thi lan tỏa đề tài công nhân công đoàn, lấy hình ảnh người công nhân làm trung tâm.

Với tôi, ta không cần đi đâu xa. Hãy “đào” từ chính mảnh đất mình đang làm việc, về những câu chuyện công đoàn, quyền lợi của người lao động. Tác phẩm của tôi cũng tập trung vào câu chuyện làng quê, và tôi nghĩ đó là một hướng đi khác biệt”.

Các tác phẩm tham dự cuộc thi có bối cảnh phong phú, câu chuyện sinh động, nhân vật đa dạng. Đó có thể là những công nhân trên nông trường chè Tây Bắc, hay những công nhân đang làm việc trong nhà máy, xí nghiệp ở Biên Hòa (Đồng Nai), Bình Dương, những người công nhân nghèo trong khu nhà trọ...

Lễ Tổng kết và Trao giải Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn diễn ra vào ngày 26.11.2023 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Cuộc thi là một trong những hoạt động quan trọng chào mừng Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam - sẽ tổ chức đầu tháng 12.2023.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn