MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
NSƯT Vũ Xuân Trang và vợ là nghệ sĩ Hoàng Thy. Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp

Vinh dự khi đi diễn ngày lễ phục vụ khán giả

NGỌC DỦ (thực hiện) LDO | 27/04/2024 12:27

Trong cuộc trò chuyện với Báo Lao Động dịp 30.4 và 1.5, NSƯT Vũ Xuân Trang có những trải lòng về khó khăn của sân khấu kịch. Anh còn bày tỏ quan điểm về nghề diễn viên và những nỗ lực trong nghề dù biết còn nhiều vất vả.

Xin chào NSƯT Vũ Xuân Trang, hiện tại, các sân khấu kịch đang bước vào mùa cao điểm của dịp lễ 30.4 và 1.5, tình hình sân khấu kịch anh đã ổn hơn chưa?

- Hiện tại, sân khấu kịch đã có nhiều tín hiệu tốt hơn so với trước đây. Nói chung, chúng tôi thấy hạnh phúc vì có được những khán giả yêu mến. Tuy nhiên, một điều khiến tôi không khỏi lo lắng là sức lan tỏa của sân khấu kịch còn rất yếu và hiện tại, chúng tôi vẫn đang bù lỗ cho sân khấu Xóm Kịch.

Dịp lễ cận kề, sân khấu anh đã và đang chuẩn bị vở diễn ra sao để phục vụ khán giả?

- Đợt này, tôi cho ra mắt ở sân khấu lớn nên về phần nội dung có thêm thắt chút ít để phù hợp với sân khấu lớn.
Đối với việc thưởng thức của khán giả, vở diễn này hầu như là mới toanh. Đó là vở “Tâm thần khuyết”, một vở tâm lý nặng nhưng cũng đan xen vào đó những tình tiết hài để giảm bớt căng thẳng.

Vở tiếp theo mừng sinh nhật sân khấu là vở “Ủa ngộ lắm nha”. Đây là vở hài từ đầu đến cuối, một vở náo kịch để phục vụ khán giả. Và sau lễ 30.4 và 1.5, sân khấu sẽ cho ra tiếp hai vở nữa. Một vở là “Khúc dạ tâm” phần 2 lấy tên là “Mộng du” và một vở là “Khế ước tử thần” sẽ ra mắt khán giả vào tháng 5 tới.

Hiện tại, sân khấu còn gặp khó khăn gì khác bên cạnh việc tiếp cận khán giả? Vì sao, làm sân khấu kịch chịu nhiều vất vả hơn so với đóng phim và các loạt hình nghệ thuật khác nhưng anh vẫn kiên trì?

- Thật ra sân khấu luôn luôn khó khăn, kiểu gì cũng gặp khó. Từ việc phải tìm khán giả cho đến việc, chúng tôi phải sắp xếp như thế nào để có những tiết mục mới mà thời lượng ra mắt liên tục. Nhưng mà chúng tôi mong vở diễn cũng đừng lỗ quá nhiều thì gánh không nổi.

Về kịch bản, đây là phần không gặp khó nhiều lắm bởi vì chúng tôi có biên kịch riêng. Các bạn làm việc khá hiệu quả. Nhưng điều quan trọng nhất là sự lan tỏa đến khán giả, để khán giả biết nhiều hơn và đến thưởng thức nghệ thuật.

Tôi buồn vì một phần khán giả có lẽ vẫn chưa tin tưởng ở lớp trẻ nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi luôn hy vọng trong một thời gian ngắn nữa, mọi người sẽ hiểu được tiêu chí và thấy được thực lực cũng như là thái độ làm việc nghiêm túc, chỉn chu của sân khấu kịch cũng như của các diễn viên trẻ đã hết mình với đam mê, công việc và mong một ngày nào đó khán giả sẽ ghi nhận.

Những ngày lễ lớn như 30.4 và 1.5, nhiều diễn viên kịch vẫn chạy show, đi diễn, anh đánh giá sao về tinh thần của họ?

- Ngày lễ, diễn viên đi chạy show, đi diễn, với tôi đây là một chuyện hết sức là bình thường. Khi nào lễ mà diễn viên nghỉ, ở nhà mới đáng nói. Việc diễn viên đi phục vụ khán giả, đi diễn cho mọi người nghe và kiếm được đồng tiền chân chính từ công sức của mình, tôi thấy rất vinh dự, thậm chí rất là hãnh diện.

Nhiều người bảo làm diễn viên sân khấu phải chịu vất vả, hy sinh nhiều, anh nghĩ sao về quan điểm này?

- Nếu nói riêng về nghề diễn viên thì tôi không nghĩ đó là sự hy sinh. Bởi vì, tất cả chúng ta làm đều có mục đích riêng. Hy sinh ở đây là sự thông cảm, sự ủng hộ của gia đình, có nghĩa là gia đình phải hy sinh nhiều hơn cho mình mới đúng, bởi diễn viên nhiều khi không ở bên gia đình những ngày quan trọng như các ngày nghỉ lễ.

Bởi vậy, gia đình phải hy sinh cho bạn, cho người diễn viên có được những giây phút, có được những thời gian để sống hết mình với nhân vật, để tập luyện, để trau dồi, để nghiên cứu, để tìm hiểu, để lên sân khấu biểu diễn.

Xin cảm ơn anh!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn