MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vở cải lương Tiếng trống Mê Linh đến với khán giả Hà Nội

Huyền Chi LDO | 14/10/2022 13:32
“Tiếng trống Mê Linh” – vở diễn tái hiện một giai đoạn lịch sử hào hùng, trong đó nổi bật là cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Vở diễn đến với khán giả Hà Nội sau nhiều cố gắng của ê-kíp và các nghệ sĩ cải lương miền Nam.

Nghệ sĩ gạo cội nỗ lực đưa cải lương ra Hà Nội

Sau 3 năm tái ngộ khán giả Hà Nội, Ngôi sao phương Nam số 10 “Tiếng trống Mê Linh” có ý nghĩa rất lớn không chỉ với các nghệ sĩ mà với toàn bộ ê-kíp thực hiện chương trình.

Trong vở diễn, NSƯT Kim Tử Long đảm nhận vai Thi Sách và kiêm vai trò đạo diễn. Kim Tử Long cho biết, kịch bản “Tiếng trống Mê Linh” của cố nghệ sĩ Thanh Nga đã biểu diễn nhiều lần, quá nổi tiếng và ghi dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả. Vì vậy, anh đã đầu tư cho sân khấu, trang phục, dàn dựng lại nhưng không làm mất giá trị cốt lõi của kịch bản.

Đạo diễn Đoàn Thúy Phương, chỉ đạo sản xuất của Ngôi sao phương Nam chia sẻ với Lao Động:

“Một thập niên qua, tôi đưa Ngôi sao phương Nam ra thủ đô, để đưa cải lương đến với khán giả của miền Bắc nói chung cũng như tại thủ đô nói riêng. Cải lương được rất nhiều khán giả trong nước cũng như kiều bào trên thế giới yêu thích vì đó là bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Bộ môn này đã được đưa ra Bắc khoảng hơn 3 thập niên trước, nhưng sau đó chững lại vì một số khó khăn về điều kiện tổ chức và biểu diễn.

Xuất phát từ tình yêu với bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc, hơn 10 năm qua, tôi đã nỗ lực đưa các đêm diễn ra Hà Nội. Khi mang cải lương đến thủ đô, tôi thấy khán giả ở Hà Nội và các tỉnh thành lân cận như Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ, Hải Dương, Bắc Ninh đều đổ về đây để xem các chương trình. Tôi cảm thấy có nhiều động lực để tiếp tục phát huy và giữ gìn cải lương”.

Đạo diễn Đoàn Thúy Phương. Ảnh: NVCC

Trong suốt hơn 10 số Ngôi sao phương Nam, khán giả được xem những trích đoạn nổi tiếng, đặc sắc nhất, có thể kể đến như trích đoạn của Tô Ánh Nguyệt, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Thái hậu Dương Vân Nga, Chung Vô Diệm… Với mỗi trích đoạn kéo dài trong vòng 20 phút đã nhận được sự tán dương, ủng hộ nhiệt tình từ khán giả.

Tuy nhiên, theo Đoàn Thúy Phương, mong mỏi của khán giả là được xem trọn vẹn một vở diễn.

Vở “Tiếng trống Mê Linh” được trình diễn vào đúng dịp 20.10. Đó là dụng ý của ban tổ chức nhằm ca ngợi Hai Bà Trưng – những người phụ nữ nêu cao tinh thần quả cảm trong lịch sử dân tộc. Đây là tác phẩm sân khấu kinh điển gắn liền với lịch sử dân tộc hào hùng, ngợi ca tinh thần yêu nước.

Để đưa được đội ngũ nghệ sĩ, đạo cụ từ miền Nam ra Hà Nội, ê-kíp của đạo diễn Thúy Phương gặp không ít khó khăn: “Đây là số 10 của Ngôi sao phương Nam tại Hà Nội. Khi làm 9 số trước thì tôi tổ chức khá thuận lợi, cả về nghệ sĩ, đạo diễn phối hợp với đơn vị tổ chức, cả kịch bản, ý tưởng... Tuy nhiên, chúng tôi lại gặp một vài khó khăn trong việc xin cấp phép để mang cải lương Ngôi sao phương Nam số 10 ra với khán giả Hà Nội”.

“Tiếng trống Mê Linh” được coi là tác phẩm sân khấu kinh điển. Ảnh: BTC.

“Khán giả vẫn yêu thích cải lương”

So với nhạc trẻ, cải lương vẫn là bộ môn nghệ thuật kén khán giả. Nói về tâm huyết với cải lương, chỉ đạo sản xuất Đoàn Thúy Phương cho biết: “Tôi tự hào là người đưa cải lương phương Nam ra miền Bắc sau hàng chục năm vắng bóng. Mỗi năm tôi duy trì một số, đã có 9 số được tổ chức thành công, mỗi số là một chủ đề khác nhau. Bản thân tôi cũng hạnh phúc vì được làm việc với những nghệ sĩ mình yêu mến.

Tôi thấy khán giả lớn tuổi ở miền Bắc rất yêu cải lương. Có những cụ ông cụ bà đã 90 -100 tuổi được con đẩy xe lăn tới xem, có các cụ già chở nhau bằng xe đạp đến xem… Kết thúc buổi diễn nhưng những khán giả lớn tuổi vẫn ở lại sân khấu tặng hoa, cảm ơn nghệ sĩ”.

Đoàn Thúy Phương nói thêm: “Dù khó khăn nhưng đưa cải lương ra Hà Nội vì tôi yêu cải lương và các khán giả miền Bắc vẫn dành nhiều tình yêu cho bộ môn sân khấu này”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn