MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Poster phim "Đất rừng phương Nam". Ảnh: Nhà sản xuất

“Với Đất rừng phương Nam, khán giả có thể tranh luận nhưng đừng cực đoan”

Bình An LDO | 17/10/2023 15:06

Trao đổi với phóng viên Lao Động, đạo diễn Charlie Nguyễn nói: “Tôi đứng ở góc trung lập để quan sát, tôi cho rằng, việc đưa thiên kiến cá nhân khi xem phim để nổi giận, đả kích tác phẩm, đả kích đạo diễn, diễn viên tham gia phim là cực đoan”.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Lao Động ngày 17.10, giữa bối cảnh bộ phim “Đất rừng phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đứng giữa muôn vàn tranh cãi, đạo diễn Charlie Nguyễn cho biết: “Tôi đã đi xem bộ phim. Tôi đi xem với tâm thế của một khán giả đến rạp để thưởng thức, trải nghiệm những cảm xúc, tính giải trí mà câu chuyện phim mang đến, tôi không đi xem với mục đích để so sánh với những tư liệu lịch sử hay câu chuyện có thật ngoài đời. Bản thân cũng là một nhà làm phim, tôi sẽ tránh đưa ra những nhận định, bình phẩm về chất lượng, nội dung của tác phẩm, điều đó là không nên”.

Về những tranh cãi bùng nổ xung quanh những yếu tố lịch sử được đưa vào “Đất rừng phương Nam”, đạo diễn Charlie Nguyễn nói: “Vai trò, chức năng của nghệ sĩ là sáng tạo dựa trên trí tưởng tượng phong phú. Nhiệm vụ của các nhà làm phim là hãy dùng trí tưởng tượng, sức sáng tạo để làm nên một câu chuyện thật hấp dẫn, thu hút khán giả.

“Đất rừng phương Nam” là một tác phẩm điện ảnh hư cấu, được lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi. Bản thân tiểu thuyết cũng là hư cấu, không phải tài liệu lịch sử. Bởi vậy, việc yêu cầu một tác phẩm điện ảnh hư cấu (lấy cảm hứng từ một tiểu thuyết hư cấu) phải chính xác về mặt lịch sử là... quá khó.

Điện ảnh thế giới có rất nhiều tác phẩm lấy cảm hứng từ câu chuyện lịch sử, nhân vật lịch sử có thật, nhưng vẫn sẽ có tính hư cấu khi đưa lên màn ảnh. Tôi nghĩ, không có tác phẩm điện ảnh mang yếu tố lịch sử nào phản ánh đúng 100% sự thật lịch sử. Huống hồ, đây là tác phẩm điện ảnh hư cấu, không phải phim lịch sử, không phải phim tài liệu”.

Đạo diễn Charlie Nguyễn. Ảnh: Facebook nhân vật

Theo đạo diễn Charlie Nguyễn, nhiều khán giả khi xem phim đã bị cảm xúc và những thiên kiến cá nhân chi phối đến việc cảm thụ tác phẩm.

“Có thể, bạn đã ghét ai đó, hoặc tác phẩm nào đó ngay từ đầu, ngay từ khi chưa bước chân đến rạp xem. Khi xem phim, bạn sẽ bị chi phối bởi cảm xúc và thiên kiến cá nhân. Khán giả khi xem bất kỳ tác phẩm nào đều có quyền bày tỏ quan điểm, có thể bình luận, tranh luận, khen hoặc chê, nhưng – đưa những nhận định thiên kiến cá nhân về bộ phim, rồi từ đó đả kích đạo diễn, đả kích diễn viên tham gia bộ phim, là đã đi quá xa. Đó là sự cực đoan” – đạo diễn “Chàng vợ của em” nhận định.

Nói thêm về những tranh cãi bủa vây “Đất rừng phương Nam”, đạo diễn Charlie Nguyễn cho rằng: “Nói thế này cho dễ hiểu, giống như bạn đi xem một bộ phim về bóng rổ, bạn không thể đặt câu hỏi, tại sao không làm phim về bóng đá? Rằng, bóng rổ không hay bằng bóng đá, rằng bóng đá mới là môn thể thao vua. Nếu muốn xem phim về bóng đá, ca ngợi môn thể thao vua, đó sẽ phải là một dự án phim khác, chủ đề khác, câu chuyện khác”.

Cảnh trong phim “Đất rừng phương Nam“. Ảnh: Nhà sản xuất cung cấp

Trước đó, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng bày tỏ quan điểm: “Một bộ phim truyện luôn được định nghĩa là hư cấu, tưởng tượng, dù được chuyển thể, phóng tác, lấy cảm hứng từ những câu chuyện có thật. Do đó, để có những bộ phim hay, tác giả cần phải để cho trí tưởng tượng của mình bay bổng và đi xa hết mức có thể, thậm chí thoát ly hoàn toàn khỏi thực tế mà bộ phim dựa vào”.

Theo đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, khán giả có quyền khen chê phim hay dở, có quyền thích hoặc không thích, nhưng, “nếu phán quyết của khán giả chuyển sang cái nhìn đúng – sai, ví dụ như làm hiểu sai vai trò của cách mạng hoặc làm sai lệch sự thật lịch sử hoặc góp phần làm tăng số lượng tội phạm... từ đó dẫn đến việc đòi cắt xén bộ phim, thậm chí là đòi cấm chiếu bộ phim thì thực sự những khán giả đó đang không công bằng với bộ phim”.

Giới làm phim cho rằng, khán giả hãy tranh luận văn minh, nhưng đừng cực đoan, suy diễn, đẩy mọi việc đi quá xa, vượt quá sức tưởng tượng ở quy mô một tác phẩm điện ảnh nặng về hư cấu, sáng tạo.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nổi tiếng với nhiều dự án đậm chất nghệ thuật cá nhân như Sống trong sợ hãi, Tro tàn rực rỡ... Anh vừa đoạt Cánh Diều Vàng ở hạng mục phim điện ảnh xuất sắc với "Tro tàn rực rỡ".

Đạo diễn Charlie Nguyễn sinh năm 1968 nổi tiếng với loạt dự án phim ăn khách như: Tèo em, Long ruồi, Để mai tính, Em chưa 18, Chàng vợ của em... Anh từng tham gia vị trí sản xuất ở nhiều dự án phim quốc tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn