MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cô giáo bị học sinh ném dép, lăng mạ tại Tuyên Quang. Ảnh: Cắt từ clip.

Vụ cô giáo bị học sinh ném dép cảnh báo nguy cơ văn hóa giáo dục chạm đáy

Anh Trang LDO | 07/12/2023 13:08

Video học sinh cấp 2 ném dép, lăng mạ cô giáo dạy môn trải nghiệm hướng nghiệp và âm nhạc ở trường THCS Văn Phú (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) trở thành chủ đề nóng, gây sốc với dư luận những ngày qua.

Ngày 29.11, một video cho thấy hình ảnh cô giáo H bị học sinh lớp 7 quây lại, ném dép, lăng mạ đã gây sốc với dư luận.

Video có nội dung một nhóm học sinh đã chốt cửa, quây lại xung quanh cô giáo, liên tục có phát ngôn, hành vi thiếu chuẩn mực, mà theo báo cáo của huyện là “nói tục, có hành vi xúc phạm giáo viên, quay video và đăng tải trên mạng xã hội Facebook”.

Theo cập nhật mới nhất, cô giáo bị học sinh hành hung chia sẻ đang rơi vào trạng thái trầm cảm, phải nhập viện.

Vụ việc xảy ra tại trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang gây chấn động dư luận suốt những ngày qua. Giới chuyên gia đánh giá, văn hóa giáo dục đã chạm đáy, khi những truyền thống "Tôn sư trọng đạo", "Tiên học lễ, hậu học văn"... đang đứng trước nguy cơ bị bẻ gãy.

Trao đổi với phóng viên Lao Động về vụ việc, cô giáo Lê Thị Xuân (đang công tác tại Trường Tiểu học Chiềng Khoi, Sơn La) bày tỏ quan điểm: "Dù trong bất kỳ trường hợp nào, học sinh không được phép có những lời lẽ hay hành động lăng mạ, thô tục với giáo viên. Tôi cho rằng hành vi này cảnh báo cho văn hóa giáo dục đã chạm đáy.

Trong môi trường giáo dục, học sinh và thầy cô đều phải cư xử đúng mực. Trước tiên phải học lễ nghi, sau đó mới học chuyên môn. Trường hợp học sinh quây đánh giáo viên ở Tuyên Quang, tôi cho rằng cần tạm đình chỉ học tập với học sinh.

Sau khi đình chỉ, nhà trường sẽ làm việc với phụ huynh để thống nhất phương án xử lý. Nếu học sinh gây thương tích cho giáo viên thì cần sự can thiệp của pháp luật".

Theo cô Lê Thị Xuân, sự việc bị lan truyền trên mạng xã hội đã vượt qua giới hạn giải quyết nội bộ giữa nhà trường và phụ huynh nên cần pháp luật can thiệp, xử lý triệt để để làm gương.

Từ góc nhìn của một nhà giáo, cô Lê Thị Xuân nói thêm: "Học sinh vi phạm nội quy của nhà trường đều bị kỷ luật. Nhà trường luôn tạo điều kiện cho học sinh vi phạm được sửa chữa, hối lỗi.

Ngoài ra, giáo viên và học sinh có mâu thuẫn sẽ không bị luân chuyển. Sau thời gian học sinh bị đình chỉ đi học lại vẫn tái phạm thì nhà trường sẽ có quyết định xử phạt tùy theo mức độ".

Thầy Nguyễn Xuân Hoàng nói về vụ việc cô giáo bị học sinh lăng mạ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thầy Nguyễn Xuân Hoàng (đang giảng dạy tại Trường Đại học Văn hóa TPHCM) chia sẻ quan điểm cá nhân về vụ việc: "Tôi có xem qua video đó và đặt ra câu hỏi liệu đó có phải clip thật không hay là một sản phẩm dàn dựng? Bởi quá khó tin.

Nếu là câu chuyện có thật thì cần phải lên án đối với những học sinh có thái độ không đúng với giáo viên. Đó cũng là hồi chuông báo động về văn hoá ứng xử trong môi trường sư phạm".

Cô Tống Mỹ Liên (đang giảng dạy tại trường trung học địa bàn quận Long Biên, Hà Nội) nói: "Học sinh cấp trung học cơ sở là những bạn nhỏ đang tuổi dậy thì, có rất nhiều thay đổi về mặt tâm sinh lý. Nếu không có phương pháp sự phạm phù hợp sẽ rất xảy ra mâu thuẫn.

Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, học sinh luôn phải có thái độ kính trọng với giáo viên. Một học sinh cá biệt đã làm xáo trộn lớp học, nếu nhiều học sinh cá biệt cùng chung suy nghĩ nổi loạn, chắc chắc sẽ không có môi trường học tập lành mạnh".

Cô Tống Mỹ Liên nói thêm: "Muốn học văn hóa, trước tiên phải học lễ nghĩa. Tiên học lễ - hậu học văn chính là thước đo chuẩn mực cho những học sinh, sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn