MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lễ dâng đăng trên núi Bà Đen, Tây Ninh mùa Vu Lan. Ảnh: Minh Tú

Vu Lan báo hiếu và sự kết nối giữa các thế hệ gia đình Việt Nam

Nguyễn Hữu Mạnh LDO | 16/08/2024 11:20

Tháng Bảy âm lịch nhắc nhớ mỗi người con đất Việt về một mùa Vu Lan báo hiếu thiêng liêng.

Nguồn gốc và ý nghĩa của lễ Vu Lan

Sách Từ điển thuật ngữ và điển tích Tam giáo và Tầm nguyên Từ điển cho rằng Vu Lan hay Vu Lan Bồn (Urabon) là âm dịch của tiếng tục ngữ Ấn Độ ullambana, được xem như là viết sai của từ avalambana, ý là đảo huyền (treo ngược), là nghi thức cúng bái được tiến hành nhằm để cứu độ cái người đang bị treo ngược. Bên cạnh đó, cũng có thuyết cho rằng từ Vu Lan vốn phát xuất từ nguyên ngữ ullambana (cứu độ), nhưng cả hai thuyết trên không có xác chứng rõ ràng.

Tuy vậy, trong Phật giáo, lễ Vu Lan có nguồn gốc từ câu chuyện về Bồ Tát Mục Kiền Liên đại hiếu được ghi chép trong kinh Phật thuyết Vu Lan bồn, Phật thuyết báo phụ mẫu ân đức, người đã cứu mẹ mình thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Vâng lời Phật dạy, nhân ngày rằm tháng 7, ngày chư tăng hành lễ Tạ Tứ sau ba tháng an cư kiết hạ, tiến hành bố thí cúng dường các thức ăn vật uống, nhờ công đức đó mà mẹ của tôn giả được cứu độ khỏi cảnh khổ của địa ngục. Câu chuyện này không chỉ mang tính chất truyền thuyết mà còn là một bài học sâu sắc về lòng hiếu thảo, nhắc nhở mỗi người con về ân nghĩa sinh thành, về công ơn dưỡng dục to lớn của cha mẹ và trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ.

Mùa Vu Lan, một trong những lễ hội thiêng liêng và ý nghĩa nhất trong văn hóa Phật giao Việt Nam, đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Việt. Đại lễ Vu Lan được ghi nhận từ rất sớm trong các bia ký Phật giáo thời Lý - Trần. Văn bia Tháp Viên Thông cho biết “Ngày 14 tháng 7 năm Kỷ Dậu, niên hiệu Hưng Long thứ 17 (1309), sư phụng lệnh, đến dự Đại trai Vu Lan cầu siêu cho Phật hoàng Nhân Tông”, “Tháng bảy năm Canh Tuất, niên hiệu Hưng Long thứ 18 (1310), sư phụng chiếu lệnh tham dự Đại trai Vu Lan cầu siêu cho Phật hoàng Nhân Tông, lên tòa giảng đại chỉ kinh Hoa Nghiêm”.

Hàng năm, vào ngày Rằm tháng Bảy âm lịch, mọi người từ khắp nơi cùng nhau về chùa, dâng hương, cầu nguyện cho cha mẹ, ông bà, và những người thân yêu đã khuất. Ở Việt Nam, trong dân gian, dịp lễ Vu Lan từ lâu đã được đồng hóa với lễ cúng cô hồn. Dân gian tin rằng, khi cúng cháo, hoa quả, vàng mã đốt vào ngày Rằm tháng Bảy thì những oan hồn cô quả không ai cúng giỗ sẽ đến hưởng sự xá tội mà siêu thoát, rồi sẽ làm phúc cho dân lành. Vì vậy nên ngày Tết Trung Nguyên (Rằm tháng Bảy âm lịch) hàng năm còn được gọi nôm na là ngày xá tội vong nhân. Đó chính là sự dân gian hóa của ngày lễ Vu Lan (đạo Phật) thành lễ xá tội vong nhân của tín ngưỡng dân gian người Việt.

Dịp kết nối giữa các thế hệ trong gia đình

Ở Việt Nam, gia đình luôn là nền tảng của xã hội. Mọi giá trị đạo đức, lối sống, và niềm tin đều bắt nguồn từ gia đình. Trong mỗi gia đình, các thế hệ nối tiếp nhau truyền lại những giá trị, niềm tin, văn hóa và phong tục tập quán từ đời này sang đời khác. Lễ Vu Lan chính là một trong những dịp đặc biệt để những giá trị này được thể hiện rõ nét và lan tỏa mạnh mẽ.

Trong không khí linh thiêng của lễ Vu Lan, mỗi gia đình cùng nhau tổ chức lễ cúng, tưởng nhớ tổ tiên và làm những việc thiện để tích phước cho những người đã khuất. Điều này không chỉ giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về trách nhiệm của mình đối với tổ tiên mà còn tạo ra một không gian để các thành viên trong gia đình gắn kết với nhau hơn.

Trong bối cảnh xã hội hiện đại, dù cho có nhiều đổi thay, nhưng lễ Vu Lan vẫn nắm giữ vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt. Đây là một điểm tựa giúp mỗi người tìm lại được sự cân bằng giữa cuộc sống hiện đại và những giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc. Lễ Vu Lan chính là lời nhắc nhở để chúng ta quay về, tìm lại những giá trị cốt lõi của cuộc sống: tình yêu thương, lòng biết ơn và sự gắn kết giữa các thế hệ trong gia đình.

Trong mỗi nén nhang thắp lên, mỗi lời cầu nguyện, mỗi hành động nhân ái, chúng ta đều cảm nhận được tình yêu thương, sự gắn kết, và trách nhiệm của mình đối với gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, lễ Vu Lan là dịp để mọi người thực hành lòng biết ơn, một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ xã hội. Từ góc độ tâm lý học, lòng biết ơn còn giúp củng cố mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Khi con người biết trân trọng và biết ơn những gì mình đang có, họ sẽ sống hạnh phúc hơn và dễ dàng vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống.

Đối với nhiều gia đình, lễ Vu Lan còn là dịp để thực hiện những hành động nhân ái, từ thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Những hành động này còn là một cách để giáo dục thế hệ trẻ về tình yêu thương, sự chia sẻ, và trách nhiệm xã hội. Những giá trị này, khi được truyền dạy và thực hiện trong một không khí gia đình ấm áp, sẽ trở thành những bài học quý báu theo suốt cuộc đời của mỗi người.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn