MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh các Đại biểu Quốc hội trong bộ áo dài ngũ thân. Ảnh: Phạm Đông

Xây dựng lễ phục - chớ áp đặt chỉ một kiểu mẫu!

NGỌC DỦ LDO | 03/06/2023 09:01

Theo Tiến sĩ Lý Tùng Hiếu - nhà nghiên cứu văn hóa, giảng viên Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM, việc xây dựng lễ phục phải tính tới đối tượng và mục đích sử dụng chứ không nên áp đặt kiểu mẫu duy nhất.

Từ kiến nghị đưa áo ngũ thân thành lễ phục

Tại phiên thảo luận sáng 31.5, Kì họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (đoàn ĐBQH Bình Định) đề nghị Quốc hội xem xét đưa vào nghị quyết cho phép đại biểu mặc áo dài ngũ thân nam tại các kì họp, bên cạnh trang phục comple. Đây cũng là vấn đề đã nhận được nhiều sự quan tâm với những ý kiến khác nhau. 

Trao đổi với Lao động, họa sĩ Nguyễn Đức Bình - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đình làng Việt đồng tình với đề xuất của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh: “Hiện nay đang có rất nhiều quy định mâu thuẫn về trang phục, chẳng hạn trong một số trường hợp thì nữ được mặc áo dài, còn nam lại diện comple. Trong khi đó, comple vốn không phải là trang phục truyền thống của Việt Nam. Theo tôi, đây là yêu cầu chính đáng của đại biểu tại nghị trường vừa qua”. 

Trước đó, tại kì họp Quốc hội trong khóa XIV, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (đoàn ĐBQH Hà Nội) cũng đã đề xuất nam giới mặc áo dài. Bà Trần Thị Quốc Khánh đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo với Quốc hội, Chính phủ để xây dựng Luật nghi lễ, nghi thức, quốc phục, quốc hoa. Theo đó, luật này nên khuyến khích nam giới và nữ giới đều mặc áo ngũ thân truyền thống trong những sự kiện quan trọng.

Vào tháng 10.2020, Sở Văn hóa - Thể thao Thừa Thiên Huế là đơn vị đầu tiên trong cả nước quy định việc nam cán bộ, công chức của sở mang áo dài truyền thống vào ngày thứ hai đầu tiên của tháng. Việc mang áo dài này duy trì cho đến ngày hôm nay và nhận được sự ủng hộ rất lớn của dư luận. Nhiều lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cũng mặc áo dài trong các buổi tiếp, làm việc với lãnh đạo nước ngoài thay vì bộ âu phục.

Năm 2013, GS, nhà văn hóa Trần Ngọc Thêm đã đề xuất dùng comple, áo dài nam và áo dài nữ là lễ phục Nhà nước. Ông cho rằng, bộ comple mạnh mẽ, áo dài mềm mại, dịu dàng là sự kết hợp của hiện đại và truyền thống.

Thực tế cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có bộ lễ phục truyền thống quốc gia chính thức.

Cần điều chỉnh phù hợp

Khi Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ với thế giới, giao lưu văn hóa trên toàn cầu ngày càng gia tăng thì việc khẳng định nét riêng biệt, độc đáo là cần thiết. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến mâu thuẫn xoay quanh trang phục áo dài giữa nam và nữ.

Lí giải điều này, Tiến sĩ Văn Hóa Tùng Hiếu - nhà nghiên cứu văn hóa, giảng viên Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM - cho biết: “Lễ phục hay quốc phục của Việt Nam chúng ta hiện bây giờ không thể thống nhất được bởi chúng ta đang sống trong bối cảnh văn hóa nửa truyền thống nửa hiện đại, nửa Tây nửa ta. Nó hỗn hợp, pha trộn và không thống nhất.

Chúng ta có một quãng thời gian, có một bối cảnh lịch sử khiến cho truyền thống không kết nối được với hiện đại, và hiện đại bị đứt quãng với truyền thống, dẫn đến trình trạng là ngày nay việc chọn duy nhất một loại trang phục dù là nó trang trọng đến mấy cho mọi người sử dụng trong các lễ hội thì chắc chắn cũng có tranh cãi”.

Theo tiến sĩ, để đưa áo dài trở thành lễ phục và quốc phục thì các kiểu mẫu được chọn phải được điển chế hóa, nhưng việc điển chế hóa trong bối cảnh ngày nay cũng nên linh hoạt, có điều chỉnh tùy theo sự đón nhận của người Việt Nam.

“Nếu chúng ta xem áo dài hay một vài sản phẩm văn hóa khác của Việt Nam như một biểu tượng thì hãy yêu quý nó chứ không nên áp đặt một kiểu mẫu duy nhất” - Tiến sĩ khẳng định.

Đối với họa sĩ Nguyễn Đức Bình, ông cho rằng, Đề án Lễ phục Nhà nước sẽ khả thi nếu được thực hiện trong thời điểm hiện tại. “Trong giai đoạn 2015 trở lại đây, phong trào mặc áo dài nam đã được phục hồi, hình ảnh, tư liệu về lịch sử, thẩm mĩ của áo dài cũng được chứng minh qua nhiều cuộc hội thảo, bài báo. Đặc biệt, phong trào mặc áo dài nam trong cơ quan cũng được đánh giá cao” - họa sĩ chia sẻ thêm.

Họa sĩ Nguyễn Đức Bình bày tỏ mong muốn các cơ quan quản lí nhà nước cần nghiên cứu, sớm ban hành luật hoặc nghị định về biểu tượng văn hóa, trong đó có áo dài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn