MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu đất phía sau Nhà hát Lớn (TP Hà Nội) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất lấy để xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam. Ảnh: hải nguyễn

Xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam ở đâu hợp lý?

Trần Việt (thực hiện) LDO | 30/05/2023 10:47

Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất lấy đất phía sau Nhà hát Lớn (TP Hà Nội) để xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam trở thành vấn đề “nóng” mấy ngày qua. Ở đây có hai câu hỏi đặt ra: Việc xây dựng một Nhà hát các dân tộc Việt Nam có thực sự cần thiết không? Và vị trí khu đất phía sau Nhà hát Lớn có thuận tiện và phù hợp?

Khi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, hiện nay vẫn chưa có ý tưởng cụ thể về Nhà hát các dân tộc Việt Nam vì các cơ quan của bộ đang tập trung vào việc tìm kiếm địa điểm xây dựng nhà hát. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, vị trí được lựa chọn xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chí như có giá trị dấu ấn, kết nối để tạo ra một quần thể văn hóa. “Căn cứ vào các tiêu chí này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang nghiên cứu phương án xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam ở phía sau Nhà hát Lớn” - ông Hùng nói.

Phóng viên Lao Động đã có cuộc trao đổi với một số kiến trúc sư để rộng đường dư luận.

Theo ông, việc xây dựng một Nhà hát các dân tộc Việt Nam có thực sự cần thiết không?

- Tiến sĩ, kiến trúc sư Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP Hồ Chí Minh, từng làm việc ở Hà Nội, hiện sống ở TP Hồ Chí Minh:

Theo tôi, cũng không hẳn là nhu cầu cấp bách, trong khi đó, tôi rất ủng hộ việc xây dựng Nhà hát Dân ca Quan họ ở Bắc Ninh.

Khái niệm “các dân tộc Việt Nam” rất rộng rãi, nếu xác định Nhà hát Lớn là Nhà hát đặc trưng cho nhạc giao hưởng thì khác, còn nếu không Nhà hát Lớn cũng có thể là Nhà hát các dân tộc Việt Nam...

- TS Trương Ngọc Lân - Phó khoa Kiến trúc Quy hoạch Đại học Xây dựng Hà Nội:

Theo tôi biết, đây mới là chủ trương, còn chưa thực hiện. Tuy nhiên, ở Việt Nam còn ít công trình văn hóa, nên thêm một công trình cũng là cần thiết, không có gì phí phạm cả. Tất nhiên, các đoàn nghệ thuật, các chương trình ở ta còn không nhiều lắm, chưa thu hút được đông đảo công chúng vì thế nhu cầu xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam chưa phải là nhu cầu cấp bách. Tuy nhiên, như tôi nói, xây dựng cũng được, nhưng quan trọng là phải vận hành nó hiệu quả.

Vị trí khu đất phía sau Nhà hát Lớn có thuận tiện và phù hợp để xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam không, theo ông?

- TS, kiến trúc sư Võ Kim Cương: Tôi nghĩ nó không phù hợp vì vị trí đó là khu bảo tồn cảnh quan cũ của Hà Nội. Xây dựng một nhà hát mới ở đó sẽ không ăn nhập. Nếu phải xây dựng thì ở Hà Nội không thiếu địa điểm. Nhà hát các dân tộc Việt Nam nếu có phải ở một vị trí thuận lợi dễ tiếp cận và cảnh quan phải đẹp, phải hoành tráng.

- TS Trương Ngọc Lân: Vị trí xây dựng một nhà hát phải cân nhắc, tính toán nhiều yếu tố về cảnh quan đô thị, giao thông và cả không gian xung quanh cho nhà hát (ví dụ như có quảng trường rộng lớn, để có thể tiến hành nghi thức thảm đỏ ở các sự kiện lớn…). Nếu xây dựng ở vị trí khu vực phía sau Nhà hát Lớn đã hợp lý chưa, khi mật độ các đơn vị nghệ thuật, các cơ sở văn hóa ở đó khá gần nhau, cách Nhà hát Lớn một đoạn là rạp Công Nhân - Nhà hát kịch Hà Nội, Nhà hát múa rối, rồi Nhà hát Hồ Gươm đang hoàn thiện... Có lẽ, xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam ở các đô thị mới, các quận mới sẽ hợp lí hơn, đáp ứng nhu cầu của công chúng ở đó.

Nhiều ý kiến trên mạng xã hội cho rằng, việc xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam ở sau Nhà hát Lớn là không phù hợp với cảnh quan. Chưa kể khu đất phía sau khó mà đủ xây dựng Nhà hát vì thiếu diện tích và việc giải tỏa mặt bằng sẽ gặp nhiều khó khăn vì ở đó liền kề khách sạn và nhiều đơn vị, cơ quan.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn