MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lễ nối dây ân linh thần núi của đồng bào Pa Cô ở tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Kăn Sương.

Xem đồng bào Pa Cô nối dây ân linh thần núi cầu xin bình an

HƯNG THƠ LDO | 29/01/2023 15:32

Lễ nối dây ân linh thần núi để cầu bình an, hạnh phúc được người đồng bào thiểu số Pa Cô ở huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) duy trì hàng trăm năm nay.

This browser does not support the video element.

Video: Lễ nối dây ân linh thần núi của đồng bào Pa Cô.

Cứ 10 năm một lần, sau khi thu hoạch xong mùa màng, tùy theo từng dòng họ mà người Pa Cô ở miền Tây Quảng Trị tổ chức lễ nối dây ân linh thần núi. Lễ tục độc đáo này có từ hàng trăm năm trước, được bà con nơi đây duy trì cho đến ngày hôm nay.

Xung quanh thôn A Liêng (xã Tà Rụt, huyện Đakrông) được bao bọc bởi 3 ngọn núi, trong đó, Tăng Xỗi là tên của vị thần núi đã có công rất lớn trong việc hộ mệnh cho dòng họ Kray cũng như các thành viên ở làng Aliêng được bình an, mạnh khỏe, no ấm, hạnh phúc.

Sau khi chuẩn bị chu đáo các lễ vật, dòng họ Kray ở thôn A Liêng tập trung đông đủ để làm lễ nối dây ân linh thần núi nhằm tạ ơn thần núi, vừa cầu an cho dân làng có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Người Pa Cô bỏ nếp trong ống tre để nướng trên bếp lửa, chuẩn bị cho lễ nối dây ân linh thần núi. Ảnh: Kăn Sương

Ông Hồ Xuân Văn - trưởng họ Kray, già làng thôn A Liêng cho hay, lễ nối dây ân linh nghiêng về tâm linh, là một hành xử rất tốt của dòng họ Kray nói riêng và người Pa Cô nói chung.

Mặc dù là lễ nối ân linh thần núi rồi cầu an, nhưng thông qua lễ này gợi nhớ cho lớp hậu thế thấy được những hành động, ứng xử của con người với thiên nhiên nơi mình đang sinh sống, gắn chặt tình đoàn kết cộng đồng, nhằm nâng cao trách nhiệm của cá nhân và tập thể trong cộng đồng làng bản.

Theo ông Văn, lễ nối dây ân linh thần núi diễn ra trong 2 ngày, 1 đêm với nhiều nghi lễ như cúng tổ tiên, sau đó là lễ nối dây ân linh và tạ ơn thần núi.

Để nghi lễ diễn ra, từ người già, người trẻ đều có mặt và mặc trang phục truyền thống. Họ dựng một cây nêu giữa những ngôi nhà dài, rồi cột lễ vật là trâu, bò, dê ở đó.

Nghi lễ chính trong lễ nối dây ân linh thần núi. Ảnh: Kăn Sương

Để thể hiện tình đoàn kết, những người khỏe mạnh ở dòng họ đi thành vòng tròn quanh một tấm thổ cẩm mới dệt trong tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng khèn. Người nào mệt, thì thay người khác, vòng tròn di chuyển từ lúc trời còn sáng tỏ, đến đêm thì đốt đống lửa lớn để sưởi ấm…

Ngày xưa, mỗi lần diễn ra lễ, sẽ có đâm trâu, đâm bò, nhưng nay người Pa Cô chỉ làm tượng trưng, nên ít tốn kém.

Anh Kray Hùng, người dân thôn A Liêng nói rằng rất vui vì được cùng mọi người trong dòng họ tham gia lễ. Đây là một lễ tục đẹp mà lớp trẻ như anh cần phải học hỏi để không bị mai một và phát huy tình đoàn kết giữa các gia đình trong dòng họ.

Lễ nối dây ân linh thần núi là dịp để quy tụ lại các tầng lớp cộng đồng dân cư trong làng, có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm làm sao cho phù hợp giữa quá khứ và hiện tại.

Nghệ nhân Kray Sức (xã Tà Rụt) cho biết lễ nối dây ân linh thần núi là lễ tục rất quan trọng và có ý nghĩa trong đời sống của người Pa Cô. Lễ hội toát lên tinh thần lành mạnh, giúp thế hệ trẻ và tất cả mọi người đều biết được ân nghĩa của con người đối với đồi núi, với thiên nhiên. Nhờ thần núi chở che mà người dân A Liêng sinh sôi, nảy nở, ngụ cư được cho đến ngày hôm nay. Thông qua những lễ tục này, giúp cho các thế hệ trong dòng họ biết được những việc làm tốt đẹp, từ đó cùng đoàn kết bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn