MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xuân về xứ Lạng ngắm đào, ăn phở, thăm phiến đá nàng họ Tô

Tô Công LDO | 24/02/2024 17:56

Lạng Sơn - Đầu xuân, du khách về với Lạng Sơn vừa có thể được ngắm hàng trăm gốc đào quý hiếm đang được trưng bày, vừa có thể thưởng thức những món ăn ngon trứ danh như phở vịt, phở chua... hoặc thưởng ngoạn đệ nhất bát cảnh xứ Lạng.

Ngắm trăm gốc đào vùng biên

Từ xa xưa, vùng đất xứ Lạng nơi vùng biên ải phía Bắc Tổ quốc đã nổi tiếng là nơi hội tụ của những giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo và những danh lam thắng cảnh hùng vỹ. Với sự tự hào, các bậc tiền nhân đã có câu ca dao nổi tiếng: “Đồng Đăng có phố Kì Lừa, có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh, ai lên xứ Lạng cùng anh, bõ công bác mẹ sinh thành ra em”.

Nay, vùng đất Lạng Sơn đang phát triển và ghi những dấu ấn đặc biệt trên bản đồ du lịch của Việt Nam. Những năm qua, các chương trình xúc tiến du lịch, lễ hội du lịch được tổ chức quy mô, bài bản và mang đậm những nét đặc sắc của Xứ Lạng đã thu hút sự quan tâm của nhiều du khách trong và ngoài nước.

Những cây đào đang bung nở tại lễ hội. Ảnh: Tô Công

Trong đó, phải kể đến lễ hội hoa đào xứ Lạng được tổ chức thường niên mỗi khi Tết đến, xuân. Lễ hội năm nay bắt đầu từ ngày 2.2 đến hết tháng 3.2024, trong chuỗi các hoạt động của lễ hội, thu hút nhất chính là đường hoa xuân Xứ Lạng tại khu vực Công viên Chi Lăng (TP Lạng Sơn) nơi đang có hàng trăm gốc đào quý hiếm được trưng bày phục vụ du khách.

Từ đầu năm mới đến nay, hàng nghìn người dân và du khách thập phương đã đến đây thăm quan, du xuân, ngắm đường hoa xuân Xứ Lạng rực rỡ sắc màu với hàng trăm gốc đào bích, đào phai, đào bạch quý hiếm đang bung nở bên dòng sông Kỳ Cùng thơ mộng.

Anh Mai Nguyễn Sơn Tùng - du khách đến từ phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, TP Hà Nội chia sẻ: "Đây là lần thứ 2 tôi và gia đình đến Lạng Sơn, đường xá, cảnh quan, thời tiết đều rất đẹp, các món ăn đường phố và món ăn đặc sản của Lạng Sơn đều ngon, người dân đi hội và ra đây ngắm hoa đào rất đông nhưng không tắc đường".

Rất nhiều gốc đào được trưng bày. Ảnh: Tô Công

Ăn phở vịt quay xứ Lạng

Không chỉ được ngắm đào quý, du khách về Lạng Sơn có thể thưởng thức rất nhiều ẩm thực đặc sắc, đã trở thành thương hiệu như: Lợn quay và vịt quay Lạng Sơn, khâu nhục, phở vịt quay và phở chua, bánh cuốn, bánh áp chao...

Riêng với phở vịt quay, dù có hình thức khá tương đồng như các loại phở khác với bánh phở, hành, tiêu nhưng thay phần thịt bò, thịt gà... thành những miếng thịt vịt quay với lớp da căng bóng màu cánh gián, được chan lên bằng nước phở đậm đà và nước trong bụng vịt quay với rất nhiều gia vị núi rừng... tạo nên bát phở vịt quay đặc trưng của Xứ Lạng.

Phở vịt quay Lạng Sơn. Ảnh: CTV

Anh Nguyễn Văn Quyết - du khách đến từ thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang bày tỏ: "Bình thường, làm vịt quay để mà ăn ngon cả phần da cả phần thịt đã khó, ở đây họ không những làm ngon cả 2 khi ăn với cơm, mà thái ra rồi chan nước lên làm phở cũng ngon không kém, rất độc đáo".

Thăm tượng đá nàng họ Tô

Đến với xứ Lạng, vùng đất hội tụ nhiều danh lam thắng cảnh, văn hóa lịch sử độc đáo, giữa lòng thành phố, du khách có thể dễ dàng thưởng ngoạn "đệ nhất bát cảnh xứ Lạng" - quần thể Di tích danh thắng Nhị - Tam Thanh gồm: Động Nhị Thanh, động Tam Thanh, thành nhà Mạc và nàng Tô Thị.

Một góc chùa Tam Thanh trong động Tam Thanh. Ảnh: Chí Long

Trên vách đá trong động Tam Thanh có khắc bài thơ của Ngô Thì Sĩ (1726-1780, khi ông làm đốc trấn Lạng Sơn) ca ngợi vẻ đẹp nơi đây: "Suối trong tuôn chảy trên hàng trăm mỏm đá như đang trò chuyện. Quay lưng lại nhìn sang ngọn núi phía trước thấy hòn Vọng Phu".

Núi Vọng Phu hay núi Tô Thị gắn liền với sự tích người con gái thủy chung chờ chồng đi đánh trận ở phương Bắc. Chờ mãi chồng không về, Tô Thị vào chùa Tam Thanh kêu cầu, một đêm mưa giông, nàng ôm con đứng trên mỏm đá cao chót vót, nhìn đăm đăm về hướng chồng đi. Ngày hôm sau, khi mưa giông qua đi, người dân phát hiện nàng Tô Thị và con đã hóa đá thành tượng. Để giáo dục về lòng chung thủy của người phụ nữ, sự tích đã được lan truyền rộng rãi.

Tượng đá nàng Tô Thị. Ảnh: Chí Long.

Hiện, trên núi còn có khối đá tự nhiên hình phụ nữ ôm con đang nhìn về nơi xa. Từ núi Vọng Phu, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn những cánh đồng lúa và toàn cảnh TP Lạng Sơn.

Theo thống kê từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, số lượt khách du lịch đến Lạng Sơn trong dịp Tết Nguyên đán trong 6 ngày, tính từ ngày 8.2 đến ngày 14.2 (từ ngày 29 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng) ước đạt 75.000 lượt, tăng 105% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách nội địa ước đạt 72.800 lượt, còn lại là khách quốc tế. Doanh thu từ du lịch ước đạt 62 tỉ đồng, tăng 116,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Từ ngày mùng 5 đến hết tháng Giêng, tại Lạng Sơn sẽ diễn ra trên 200 lễ hội, trong đó nhiều di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại... dự kiến sẽ tiếp tục thu hút hàng trăm nghìn lượt khách về Xứ Lạng du xuân, chảy hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn