MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chiếc vòng đồng mang ý nghĩa rất quan trọng trong văn hóa của người đồng bào Ê Đê. Ảnh: Bảo Trung

Ý nghĩa chiếc vòng đồng trong những dịp đặc biệt của người Ê Đê

BẢO TRUNG LDO | 12/02/2024 11:39

Với một số đồng bào dân tộc tại Tây Nguyên nói chung và địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng, họ rất thích đeo những trang sức như vòng cổ, vòng tay,… làm bằng đồng, bạc hay kim loại. Trong đó, với người Ê Đê, chiếc vòng đồng thường được họ sử dụng nhiều hơn và mang những ý nghĩa hết sức đặc biệt khi đặt trong một số bối cảnh nhất định.

Với đồng bào Ê Đê chiếc vòng đồng là vật hết sức đặc biệt, ngoài làm trang sức, nó được dùng trong hầu hết các nghi lễ, lễ cúng, mang nhiều ý nghĩa tâm linh với đồng bào nơi đây.

Với ông Y Thăm K Buôr (Buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), mỗi chiếc vòng đồng đeo trên tay đều là mốc đánh dấu quan trọng của cuộc đời ông khi được con cháu làm lễ cúng sức khoẻ. Mới đây nhất, ông đã được đeo vòng đồng lần thứ 5 khi được cúng sức khoẻ lúc 68 tuổi.

Chiếc vòng đồng thường được người Ê Đê dùng trong những nghi lễ đặc biệt. Ảnh: Bảo Trung

Vòng đồng như vật chứng của thần linh nhằm che chở, phù hộ cho người đeo chiếc vòng. Chiếc vòng đồng sau khi cúng sức khoẻ sẽ được khắc số dấu tương ứng với số ché rượu dùng để làm lễ, rồi mang lại cho chủ sở hữu, tối đa là 7 dấu khắc.

Ông Y Thăm chia sẻ: “Những lần trước đây chỉ có thầy cúng đeo vòng cho tôi. Tuy nhiên, vào lần thứ 5 được khắc dấu, sau khi thầy cúng đeo vòng đồng, tôi còn được vợ, con rồi cháu chúc phúc, cầu cho sức khoẻ, sống lâu”.

Với người Ê Đê chiếc vòng đồng đã trở thành một nét văn hóa riêng, gắn bó mật thiết trong cuộc sống của họ. Ảnh: Bảo Trung

Với người Ê Đê, chiếc vòng đồng là vật linh thiêng, mang nhiều ý nghĩa trong các lễ nghi truyền thống, đánh dấu một giai đoạn và thời điểm quan trọng của cuộc đời. Ngoài lễ cúng sức khoẻ, vòng đồng còn xuất hiện trong lễ cưới hỏi.

Theo phong tục của người Ê Đê, thông thường sau mùa rẫy, ngày rộng tháng dài, lúa gạo đầy kho, ủ được nhiều rượu cần, nhà đã chuẩn bị trâu, bò, gà, heo… cô gái Ê Đê có thể đi hỏi chồng. Nhà trai thách cưới và nhà gái lo mọi chi phí cưới hỏi mới được làm lễ rước rể về nhà.

Trong nghi lễ này, chiếc vòng đồng được đeo vào tay đôi vợ chồng trẻ như lời giao ước với ý nhắc nhở sống thủy chung, phải yêu thương, cùng nhau siêng năng làm rẫy, nuôi dưỡng con cái.

Theo chị H'Lin Bkrông (Buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, những cô gái tới tuổi lấy chồng, sẽ được hai bên gia đình đeo vòng đồng, thể hiện mong muốn 2 vợ chồng gắn kết, chung thuỷ. Nếu 1 trong 2 không muốn bên nhau nữa, tháo vòng ra sẽ được hiểu như là đã không còn ở bên nhau nữa.

Người Ê Đê còn dùng vòng đồng trong những dịp cưới hỏi biểu thị những ý nghĩa đặc trưng, tốt lành. Ảnh: Bảo Trung

Bà H'Yam Bkrông (Buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) quan niệm rằng, trong lễ cưới hỏi thì người ta sẽ dùng 8 chiếc vòng đồng, bên bố mẹ chồng sẽ chia cho bà con họ hàng cùng những chị em phụ nữ ở bên mẹ chú rể, qua đây là thể hiện sự tôn trọng, kết nối của cuộc sống của nhau.

Hiện nay, dù cuộc sống của đồng bào Ê Đê đã có nhiều thay đổi, chịu tác động của việc giao lưu văn hóa. Tuy nhiên, vòng đồng vẫn luôn hiện hữu trong các nghi lễ xoay quanh vòng đời của người Ê Đê như lễ kết nghĩa anh em, lễ cưới hỏi, lễ cúng sức khoẻ hay dùng làm bùa hộ mệnh, cầu may.

Qua các nghi lễ, có thể thấy sự quan trọng của chiếc vòng đồng trong đời sống của người Ê Đê, là một nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc, luôn được bảo tồn và lưu giữ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn