MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân vây quanh ông đồ xin chữ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội.

Ý nghĩa tục xin chữ ngày đầu năm mới

Đinh Thiện - Tùng Giang LDO | 22/01/2023 08:07
Trải qua bao đời, đến nay người Việt vẫn duy trì tập tục xin chữ vào ngày đầu năm Tết cổ truyền của dân tộc.

Theo quan niệm dân gian, hoạt động xin và cho chữ là một việc làm mang nhiều ý nghĩa và giá trị văn hóa, thể hiện sự trọng chữ nghĩa trọng tri thức và cũng là mong muốn xin được con chữ lấy may mắn, cầu một năm tài lộc, phúc thọ đầy nhà.

Trao đổi với Lao Động, ông Đỗ Quốc Vũ - Phó Chủ nhiệm CLB Thư pháp Việt Unesco cho biết, về ý nghĩa của phong tục xin chữ đầu năm, nhiều thông tin được lan truyền rằng, từ đời xưa khi muốn xin chữ, người xin phải chuẩn bị một lễ nhỏ gồm cau trầu, chè thuốc đến nhà thầy đồ, thầy giáo.

Ông Đỗ Quốc Vũ - Phó Chủ nhiệm CLB Thư pháp Việt Unesco viết tặng chữ thư pháp cho người nước ngoài. Ảnh: ĐT

Đây được coi là những người có học vị Tú tài hoặc nho sĩ có tiếng hiền tài, đức độ, học rộng và hiểu biết, hay còn gọi là văn hay chữ tốt. Những người này đều được người dân trong vùng kính nể.

Đến ngày nay, khi văn hóa thư pháp phát triển hiện đại theo thời gian nên việc xin chữ và cho chữ phần nào đã dễ dàng hơn. Người xin chữ chỉ cần đến phố ông đồ để xin những con chữ sáng tạo bay bổng theo nhu cầu.

Ông Đỗ Quốc Vũ viết chữ "Tài lộc" tại hội chữ xuân. Ảnh: ĐT

“Mỗi nét chữ viết ra trên khổ giấy như rồng bay phượng múa. Người xin chữ đứng xem các thầy đồ trổ tài hoa đưa các nét cọ điêu luyện, uyển chuyển như đang thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật thực sự”, ông Vũ nói.

Theo ông Vũ, chữ xin được thể hiện lời chúc của người viết hoặc mong muốn của người xin, thường là sự an lành, may mắn, thành công, đỗ đạt, con cái đầy nhà.

 Nhiều bạn trẻ xin chữ đầu năm với hi vọng may mắn, thành đạt trong học tập, công việc.

Cũng về tục xin chữ đầu năm, theo thư pháp gia - TS Cung Khắc Lược, người xưa có câu “nhất tự thiên kim” tức “một chữ đáng nghìn vàng”. Hơn thế nữa, người xưa đã từng nói “cho bạc, cho vàng không bằng chỉ nẻo, chỉ đàng cho đi”. Xin chữ cũng chính là xin nẻo, xin đàng đi đúng hướng để công thành, danh toại.

TS Lược cho biết, người cho chữ cũng phải có tâm và có tầm, hiểu được ý nghĩa của từng con chữ mới có thể chỉ đúng đường, đúng lối cho người xin chữ đạt được ước nguyện được gửi gắm qua từng nét bút.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn