MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GS.TS. Đinh Xuân Dũng - nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương. Ảnh: Thảo Quyên

Yêu cầu đặt ra với việc xây dựng các hệ giá trị quốc gia, văn hoá, gia đình

Hương Mai LDO | 29/11/2022 12:50

Hội thảo “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” đi vào mục tiêu cao nhất, “trọng tâm, cốt lõi” của phát triển văn hóa.

Xây dựng văn hóa là xây dựng con người

Tại Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” diễn ra vào sáng 29.11, GS.TS. Đinh Xuân Dũng - nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã trình bày những quan điểm trong tham luận "Tính cấp thiết và những yêu cầu đặt ra đối với việc xây dựng, thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới". 

GS.TS. Đinh Xuân Dũng cho biết, cách đây khoảng 170 năm, K. Mác (Karl Marx) trong “Hệ tư tưởng Đức” (1844) đã cho rằng, con người có hai phương thức: sản xuất vật chất tạo ra của cải và “sản xuất tinh thần tạo ra nhân cách”. Sản xuất tinh thần đó chính là văn hóa.

Mặc dù đã nhận rõ quy luật đó được thể hiện trong các văn kiện của Đảng, song đến tháng 6.2014, tại Hội nghị lần thứ 9 (khóa XI), khi ban hành Nghị quyết 33- NQ/TW về văn hóa, Đảng mới nhấn mạnh quy luật trên trong tiêu đề của Nghị quyết “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

GS.TS. Đinh Xuân Dũng cho biết thêm, trong “Báo cáo tiếp thu và giải trình của Bộ Chính trị” tại Hội nghị về tên gọi này của Nghị quyết có lý giải như sau: “Một số ý kiến đề nghị tên gọi ở phương án 1 nên bỏ từ “con người” vì sợ trùng với khái niệm “văn hóa” đã ghi ở phía trước… Về vấn đề này, Bộ Chính trị xin báo cáo Trung ương: 

Nói về văn hóa cũng là nói về con người, vì văn hóa là của con người, do con người, vì con người. Tuy nhiên, trong thực tế, không ít trường hợp đã hiểu sai lệch, coi văn hóa là những công việc, những hoạt động trên lĩnh vực văn hóa (như múa hát, biểu diễn, lễ hội…), không tập trung cho mục tiêu trọng tâm, cốt lõi là xây dựng con người.

Chính vì vậy, trong Nghị quyết Trung ương lần này có thêm một quan điểm khẳng định vấn đề trọng tâm, cốt lõi của xây dựng văn hóa là xây dựng con người. Thêm từ “con người” để nhấn mạnh, để khẳng định.

Đứng ở góc độ và tầm nhìn trên, Hội thảo với chủ đề “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” mang tính khoa học, phù hợp với quy luật và quan hệ giữa văn hóa và con người, đi vào mục tiêu cao nhất, “trọng tâm, cốt lõi” của phát triển văn hóa là xây dựng, nuôi dưỡng, gìn giữ và phát triển các hệ giá trị văn hóa trên.

Mong góp một tiếng nói

Theo GS.TS. Đinh Xuân Dũng, kết quả nghiên cứu về Hệ giá trị quốc gia chưa đáng kể vì nội dung này mới đưa vào Văn kiện Đại hội XIII năm 2021. Kết quả nghiên cứu về hệ giá trị con người Việt Nam, gia đình Việt Nam rất đáng quý, nhiều đề xuất có sự tổng kết  thực tiễn, song chưa có sự thống nhất về các giá trị cụ thể, vì vậy, mới chỉ dừng lại ở công bố các kết quả đó trên sách, báo, tạp chí… mà chưa hề được công nhận, đồng thuận để tạo sự tự giác thực hiện trong xã hội.

GS.TS. Đinh Xuân Dũng cho rằng, còn một khoảng cách quá lớn giữa nghiên cứu và triển khai trong thực tiễn. Việc xây dựng các chuẩn mực cụ thể cho từng đối tượng trở thành phong trào khá sôi nổi, đến tận làng, bản (hương ước văn hóa), song hiệu quả thực sự còn rất hạn chế.

Đó là những vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới. Vì vậy, các hội thảo, thảo luận, làm việc nhóm dân chủ và có mục tiêu, định hướng là rất cần thiết.

Để làm được các công việc trên, GS.TS. Đinh Xuân Dũng kiến nghị có một bộ phận chỉ đạo và điều hành theo một dự án, một kế hoạch có thời hạn và có một nhóm các nhà khoa học, chuyên gia trên lĩnh vực này với chức năng như một Trung tâm nghiên cứu và tổ chức nghiên cứu các giá trị văn hóa Việt Nam.

Theo kinh nghiệm của một số quốc gia ở Châu Á, Châu Âu, các kết quả nghiên cứu về giá trị quốc gia, giá trị con người, ở các mức độ khác nhau, đều được cơ quan có thẩm quyền thảo luận và thông qua, trở thành một văn bản có tính định hướng giúp mọi người và toàn xã hội tự nguyện, tự giác thực hiện. Đó là một nhân tố quan trọng tạo nên một xã hội dân chủ, kỷ cương và văn hóa cao.

GS.TS. Đinh Xuân Dũng bày tỏ, những điều ông trình bày có thể đúng hoặc chưa thỏa đáng, song xuất phát từ trách nhiệm, sự trung thực và tâm huyết, ông mong góp một tiếng nói trong cuộc Hội thảo rất cần thiết và quan trọng này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn