MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà báo Nguyễn Việt Thanh. Ảnh do nhân vật cung cấp

Yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất của ảnh báo chí là tính thời sự

Việt Văn (thực hiện) LDO | 26/06/2021 07:00

Nhà báo Nguyễn Việt Thanh (báo Vietnam News) là một cái tên quen thuộc trong làng ảnh báo chí Việt Nam, từng đoạt giải nhất ảnh báo chí Châu Á, tham gia nhiều triển lãm ảnh uy tín và là một giám khảo thuộc hàng “đắt sô” khi mỗi năm chấm hàng chục cuộc thi ảnh lớn nhỏ ở Việt Nam. Một cuộc trò chuyện với anh về thực trạng ảnh báo chí ở Việt Nam hiện nay.

Ngoài nghề báo thì làm giám khảo chuyên nghiệp cũng là một “nghề” của anh. Với con mắt của một giám khảo, anh có nhận xét gì về chất lượng ảnh báo chí ở Việt Nam trong vòng 5 năm trở lại đây?

- Chất lượng ảnh báo chí 5 năm trở lại đây có sự tiến bộ rõ rệt vì nhiều lý do, trong đó lý do chính là sự cạnh tranh lành mạnh về thông tin đã tạo ra sự phát triển. Việc cọ xát thực tế, nhận thức về ảnh báo chí (qua truyền thông, mạng xã hội và các khóa đào tạo liên tục được đổi mới) của phóng viên ảnh được nâng cao. Để cạnh tranh, nhiều báo điện tử không tiếc tiền đầu tư trang thiết bị (máy ảnh chuyên nghiệp, Flycam…). Rồi kỹ năng nhiếp ảnh của phóng viên được nâng lên qua học và tự học. Họ học hỏi, tiếp xúc qua các cuộc thi ảnh báo chí quốc tế. Chịu khó khai thác các góc lạ để tương tác, thu hút độc giả. Rồi áp lực từ các phương tiện truyền thông cộng đồng (Facebook, Zalo…), khi mỗi người dân đều có thể trở thành một nhà báo…

Bạn có để ý khi trên đường có một tai nạn xảy ra, người dân thường rút điện thoại ra chụp ảnh trước, phát tán rồi mới cứu người. Vì thế có người sau một đêm trở thành nổi tiếng vì chụp được bức ảnh độc, hay. Mặt yếu của ảnh báo chí Việt Nam là thiếu những phóng sự ảnh mang tính chất điều tra phản ánh tiêu cực xã hội. Nhiều đề tài thể hiện còn nông cạn, hời hợt phán ánh bề mặt, thiếu những đề tài chuyên sâu được thể hiện công phu, sâu sắc.

Khi chấm ảnh báo chí, anh quan tâm tới yếu tố nào đầu tiên và đánh giá cao nhất yếu tố nào?

- Với ảnh báo chí, yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất là tính thời sự nóng hổi. Còn bố cục, tạo hình, ánh sáng cũng là để chuyển tải tính thời sự, thông tin tốt nhất.

Trong ảnh báo chí tối kỵ là dàn dựng (ngoại trừ ảnh chân dung trong 1 số trường hợp nhất định) và can thiệp xử lý photoshop quá đà. Anh thấy hiện tượng này còn tái diễn nhiều ở Việt Nam?

- Trừ những báo quá lá cải thì các báo mạng chính thống hầu hết tuân thủ nguyên tắc không dàn dựng của ảnh báo chí. Vì nếu họ dàn dựng, gian dối, đương nhiên sẽ bị độc giả tẩy chay. Còn xử lý ảnh photoshop quá đà, tất nhiên cũng có nhưng nó bị văng ra ngay khỏi vòng triển lãm vì nhận thức người xem ngày càng cao do đó nhận thức giám khảo cũng tăng lên.

Chúng ta vẫn thiếu những tác giả theo đuổi những dự án ảnh tài liệu dài hơi, kéo dài nhiều năm. Một lý giải của riêng anh?

- Thực hiện những đề tài dài hơi rất khó, vì khó có tài trợ, chưa được khuyến khích. Tâm lý ăn xổi là tâm lý chung. Ở những nước phát triển, đề tài dài hơi được hoan nghênh vì nó thường đậm tính văn hóa, công sức của tác giả và có đối tượng độc giả riêng, nhiều khi là các nhà nghiên cứu. Đề tài dài hơi mang tính riêng tư, cá nhân, nhiều khi khó có chỗ chia sẻ.

Anh còn là giảng viên lâu năm của trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, vậy các bạn trẻ giờ đây chụp ảnh báo chí ra sao, điểm mạnh và yếu so với thế hệ các anh ngày xưa?

- Các khóa sinh viên càng về sau càng tốt hơn, một số sinh viên làm tôi ngạc nhiên, tốt hơn thế hệ chúng tôi ngày xưa về kỹ thuật và cách nhìn. Có những sinh viên khi ngồi trên ghế nhà trường đã đoạt giải một số cuộc thi được các tờ báo lớn mời về. Nhưng số học giỏi không nhiều, mỗi lớp 20 sinh viên chỉ có 3 bạn rất giỏi, còn lại cũng là học đối phó.

Anh thích chụp thể loại nào nhất trong ảnh báo chí? Và hiện anh đang theo đuổi một dự án cá nhân nào?

- Tôi thích nhất thể loại phóng sự điều tra vì nó thể hiện sự dũng cảm, yêu nghề, dám hy sinh của phóng viên. Dự án mà tôi theo đuổi nhiều năm là về môi trường, một trong những vấn đề nhức nhối nhất là môi trường biển.

Làm sao để nâng cao chất lượng ảnh báo chí Việt hơn nữa, theo anh?

- Phải tăng cường mở những khóa đào tạo nhiếp ảnh chuyên sâu chứ không chỉ đại trà như hiện nay để tạo ra một “đội quân tinh nhuệ” để đào tạo ra các thế hệ khác như các khóa đào tạo của Quỹ tưởng niệm báo chí Đông Dương (IMMF) đã làm ở Việt Nam từ 10 năm trước. Chính “đội quân tinh nhuệ” này sẽ là những người truyền cảm hứng, nhân lên nguồn lực và thúc đẩy sự phát triển của các tay máy trẻ bằng cách chuyển giao không chỉ kiến thức, công nghệ mà cả cách nhìn, lửa nhiệt tình và sự đam mê.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn