MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
ILLIT được thành lập thông qua chương trình “RU Next?”. Ảnh: Belift Lab

Zerobaseone, ILLIT - nhóm nhạc thành công từ chương trình thử giọng Kpop

An Nhiên LDO | 16/05/2024 07:19

Dù ngày càng có nhiều hoài nghi xung quanh các chương trình thử giọng do các đài truyền hình tổ chức, nhưng thành công của Zerobaseone và ILLIT cho thấy, vẫn có thể tạo nên những nhóm nhạc nổi bật trong thị trường cạnh tranh như hiện nay.

Vài năm trở lại đây, nhiều chương trình thử giọng đã được các đài truyền hình Hàn Quốc tổ chức, song không phải nhà đài nào cũng thành công.

Với SBS, khán giả biết đến chương trình “Loud” và “Universe Ticket” cùng với sự ra mắt của The New Six và Unis. Tuy nhiên, cả hai nhóm đều không thu hút được nhiều sự chú ý.

Với MBC, nhà đài này sản xuất chương trình “My Teenage Girl” cùng màn ra mắt của nhóm Classy song không tạo được tiếng vang. Điều tương tự xảy ra với Fantasy Boys - nhóm nhạc được thành lập từ chương trình thực tế cùng tên.

Trong khi đó, “Boys Planet” của Mnet và “RU Next?” của JTBC lại lần lượt tạo nên Zerobaseone và ILLIT và từng bước ghi nhận những thành tựu rõ ràng, dần khẳng định mình là nhóm nhạc nam và nữ nổi bật thế hệ thứ 5.

Theo đó, Zerobaseone đã phát triển mạnh mẽ nhờ sự hỗ trợ của CJ ENM - công ty trước đây đã tạo ra những nhóm nhạc thành công như Wanna One, I.O.I và IZ*ONE thông qua “Produce 101”.

Với ILLIT - nhóm nhận được sự hậu thuẫn từ Belift Lab - công ty trực thuộc tập đoàn HYBE.

Trước tình trạng thành - bại của các nhà đài trong việc thành lập nhóm nhạc sau show thử giọng, Munhwa Ilbo đánh giá, các nhóm được hỗ trợ bởi các công ty có chuyên môn và cơ sở hạ tầng tốt có nhiều khả năng khẳng định vị thế của mình trong thị trường Kpop cạnh tranh như hiện nay.

Với các nhóm nhạc kém tiếng hơn, lí do chủ yếu đến từ việc các công ty không chú trọng nội dung khi đầu tư tiền vào, bị thu hút bởi niềm tin lạc quan rằng, “K-pop có lãi”.

Đây cũng là nguyên nhân nhiều chương trình thử giọng vẫn được các nhà đài triển khai. Đơn cử như JTBC đang giới thiệu “Girls on Fire” - nhằm mục đích thành lập một nhóm nhạc nữ K-pop, trong khi KBS đang khởi động dự án ra mắt thần tượng toàn cầu “Make Mate 1”.

Hay SBS cũng đang tham gia cuộc cạnh tranh với “Universe League” - phiên bản nam của “Universe Ticket”. Chương trình hiện đã mở đơn đăng kí và sẽ ra mắt vào nửa cuối năm nay.

“Ngày nay, việc thành lập một nhóm nhạc K-pop tốn ít nhất 10 tỉ won (187 tỉ đồng). Khi nhu cầu toàn cầu về K-pop tăng lên, ngày càng có nhiều nhà đầu tư đổ xô vào ngành này như thiêu thân lao vào lửa.

Từ góc độ các đài truyền hình, không có lí do gì để từ chối vì hầu hết chi phí sản xuất đều do các công ty sản xuất đài thọ. Tuy nhiên, có lo ngại rằng, thị trường có thể trở nên quá bão hòa với các nhóm nhạc K-pop, dẫn đến chất lượng tổng thể bị suy giảm” - báo Hàn nhận định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn