MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh nhi A Lý Hùng (16 tuổi, ở thị trấn Đắc Tô, tỉnh Kon Tum) sau phẫu thuật lấy búi sán dải heo trong não.

Sán dải heo tưởng nhầm... u não

PGS TS BS TRẦN PHỦ MẠNH SIÊU - PGĐ. Bệnh viện Nguyễn Trãi TP.HCM LDO | 19/04/2016 13:00
Gần đây, chúng ta thường nghe nói nhiều đến bệnh gây ra do sán dải heo lên não, gây khối u giống như u não. Cụ thể, đã có một số trường hợp tưởng nhầm khối u, sau khi phẫu thuật sọ não, các thầy thuốc mới phát hiện ra đây là nang sán chứ không phải khối u... Vậy sán dải heo đã gây bệnh “u não” như thế nào?
Bệnh gạo heo

Sán dải heo có tên khoa học là Taenia solium, ký sinh ở người còn gọi là sán sơ mít. Sán có chiều dài hàng chục mét, thân gồm hàng ngàn đốt. Đầu sán dải heo Taenia solium có 4 dĩa hút và 2 hàng móc. Sán dải heo là ký sinh trùng đặc hiệu của người, chúng sống ký sinh ở ruột non, đầu sán cắm vào ruột non của người rất chắc nhờ dĩa hút và móc. Đốt sán già sẽ rụng đi và được tống ra ngoài theo phân.

Trứng sán có hình cầu, kích thước 40 micromet, vỏ dày có tia. Trứng sán được phát tán trên cỏ, trên đất và được vật chủ trung gian nuốt vào. Vật chủ trung gian của Taenia solium là heo. Khi trứng sán vào ruột, phôi từ trứng sẽ được phóng thích ra khỏi vỏ, theo dòng máu phát tán khắp cơ thể, đặc biệt là vào các cơ, mô dưới da, não... tạo thành gạo sán. Gạo sán là một cái bọc to cỡ hạt lựu, trong chứa đầu sán. Khi người ăn thịt heo, sẽ nuốt phải gạo sán. Dưới tác động của men tiêu hóa, đầu sán được phóng thích ra khỏi bọc, phát triển thành sán trưởng thành trong ruột non trong vòng 2 - 3 tháng.

Bệnh xuất hiện ở những nơi có tập quán ăn thịt heo tái sống. Taenia solium còn gây ra bệnh gạo ở người là một bệnh nặng, cần đặc biệt quan tâm. Để phát hiện bệnh, bệnh nhân phải được xét nghiệm phân tìm đốt sán hoặc soi phân tìm trứng sán. Ngoài dạng trưởng thành ký sinh ở ruột non của người, Taenia solium còn ký sinh ở người dưới dạng ấu trùng, gây bệnh gạo ở người.

Bệnh gạo heo (Cysticercus cellulosae) là tên gọi đặt cho ấu trùng của sán dải heo ở não, mắt, tim. Taenia solium, còn được gọi là bệnh gạo heo, thỉnh thoảng gặp ở một số bộ phận cơ thể người. Gạo heo là một bọc màu trắng đục, kích thước từ vài milimet đến 10milimet, bên trong chứa dịch trong và một đầu sán với hàng móc đặc trưng của đầu sán Taenia solium.

Chu trình phát triển của bệnh gạo heo ở não, mắt, tim. 

Chèn ép não thất gây... tử vong nhanh

Bệnh do Cysticercus cellulosae gặp ở khắp mọi nơi, đặc biệt ở những nơi mà sán dải heo Taenia solium còn phổ biến, việc chăn nuôi heo còn mang tính chất gia đình và tình trạng xả, thải phân người tùy tiện.

Người nuốt phải trứng sán dải heo theo hai đường: Đường thực phẩm như rau sống rửa không sạch có dính phân heo, nước uống bị vấy bẩn phân heo. Hay gặp hơn là do người bị nhiễm sán dải heo ở dạng trưởng thành Taenia solium, khi những đốt sán già bị phản nhu động ruột đẩy ngược lên dạ dày và bị tiêu hóa, phóng thích trứng chứa phôi. Trứng bị nuốt vào dạ dày sẽ phóng thích ra phôi có 6 móc, phôi chui qua niêm mạc vào vách ruột theo hệ tuần hoàn lên tim, sau đó vào hệ đại tuần hoàn rồi phát tán khắp cơ thể, tạo thành bệnh gạo heo ở não, mắt, cơ, mô dưới da... Một số nang ấu trùng theo máu lên não, tạo thành nang sán ở não, có thể phát triển rất lớn, chèn ép não thất, gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.

Điều trị đặc hiệu

Để chẩn đoán bệnh gạo heo ở não, phải phối hợp các yếu tố dịch tễ, lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh (CT Scan, MRI não), sinh thiết khối u (ở vị trí có thể), huyết thanh chẩn đoán miễn dịch (ELISA), ...

Nếu chẩn đoán xác định được bệnh gạo heo ở não hoặc ở các cơ quan khác như mắt, cơ... thì phải điều trị nội khoa bằng thuốc kháng ký sinh trùng albendazole từ 1-2 tháng với liều 800mg/ngày ở người lớn hoặc 15mg/kg/ngày ở trẻ em. Kết hợp với thuốc chống phù não nếu cần. Bệnh đáp ứng tốt với thuốc đặc hiệu albendazole và nang sán sẽ thu nhỏ kích thước dần sau một thời gian điều trị mà không cần phẫu thuật.

Phòng bệnh, cần vệ sinh trong quy trình chăn nuôi heo, không xả thải phân người bừa bãi, ăn chín uống sôi. Điều trị cho người nhiễm bệnh...

Triệu chứng bệnh gạo heo ở não tùy vào nơi gạo heo định vị: động kinh, rối loạn tâm thần, suy nhược, nhức đầu... Gạo heo ở mắt (gạo heo ở hốc mắt, mí mắt, kết mạc...) gây rối loạn thị giác tùy thuộc vào vị trí của ấu trùng trong mắt. Gạo heo trong mô cơ gây đau cơ, sau nhiều năm sẽ hóa vôi. Gạo heo dưới da sẽ có nốt, cục sờ được, đôi khi gây ngứa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn