MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các Nghệ nhân ưu tú, nhà nghiên cứu Đờn ca tài tử Nam Bộ lo thiếu đội ngũ kế thừa. Ảnh: Nhật Hồ

10 năm vinh danh và nỗi lo Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ thất truyền

NHẬT HỒ LDO | 05/12/2023 15:40

Bạc Liêu - Ngày 5.12, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức họp mặt kỷ niệm 10 năm UNESCO vinh danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2013 - 2023).

Tại buổi họp mặt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phan Thanh Duy chia sẻ: Để bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại cho các thế hệ mai sau, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, Nghệ thuật Đờn ca tài tử nói riêng. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trong các gia đình, trường học, các câu lạc bộ, cộng đồng dân cư… nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng và nhân dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phan Thanh Duy đề nghị tăng cường đào tạo thế hệ kế thừa Đờn ca tài tử Nam Bộ. Ảnh: Nhật Hồ

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu có kế hoạch phối hợp, liên kết cụ thể để tổ chức giao lưu gặp mặt các Câu lạc bộ Đờn ca tài tử tiêu biểu, Liên hoan Đờn ca tài tử của địa phương hàng năm; tổ chức trưng bày, giới thiệu những tài liệu hiện có của Đờn ca tài tử; thi sáng tác những bài bản mới về Đờn ca tài tử; khuyến khích tuổi trẻ tham gia luyện tập các sáng tác mới có nội dung ca ngợi quê hương, đất nước và con người Bạc Liêu…

Bên cạnh đó, ngành chức năng tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền có chính sách đãi ngộ, khen thưởng và phong tặng danh hiệu vinh dự cho các nghệ nhân Đờn ca tài tử có nhiều đóng góp xuất sắc trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.

Giao lưu Đờn ca tài tử tại buổi họp mặt. Ảnh: Nhật Hồ

Trong 10 năm triển khai công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, Bạc Liêu đã thực hiện hơn 1.500 lượt tuyên truyền về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử thu hút hơn 100.000 lượt người tham dự; phát hành trên 500 ấn phẩm phục vụ công tác nghiên cứu và tìm hiểu về Nghệ thuật Đờn ca tài tử. Cùng với đó, tỉnh tổ chức 27 lớp về Nghệ thuật Đờn ca tài tử trên địa bàn, thu hút hơn 2.500 người tham gia.

Các nghệ nhân tham dự họp mặt kỷ niệm 10 năm UNESCO vinh danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: Nhật Hồ

Cũng tại buổi họp mặt, các Nghệ nhân ưu tú, nhà nghiên cứu Đờn ca tài tử cho rằng, thời gian qua, các lớp dạy không thiếu, thậm chí đưa vào trường tiểu học, nhưng thời gian quá ngắn, chất lượng không cao. Người học, học xong không thể chơi tài tử được. Nghệ nhân ưu tú Lâm Duy Minh đề nghị thời gian tới cần chú ý đến công tác truyền nghề; phát hiện, chăm bồi nhân tố mới là những người đam mê, có năng khiếu để đào tạo thay vì dạy đại trà như vừa qua.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn