MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nữ danh ca Khánh Ly - người được Trịnh Công Sơn coi là tri kỷ không chỉ trong âm nhạc mà trong cả cuộc sống. Ảnh: Hoà Nguyễn

19 năm, nhớ Trịnh Công Sơn

MAI THẮNG LDO | 03/04/2020 11:13

19 năm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vĩnh biệt dương gian, nhưng tên tuổi và những ca khúc của ông vẫn sống trong lòng khán giả Việt. Cuộc đời của ông là một bản tình ca nhạc họa...

Lắng sâu trong lòng khán giả...

Trịnh Công Sơn có chất “lãng tử”. Nói cách khác là “chất phiêu hiếm độc”. Những bản tình ca của ông, có ca khúc chất chứa niềm đau, có ca khúc như lời tự tình về cuộc đời khổ đau sau nhiều năm phiêu dạt, có ca khúc bay bổng và có những ca từ day dứt thâm sâu vụn vỡ từ trái tim. Để rồi sau khi ông đi vào lòng đất mẹ, những ca khúc ấy vẫn lắng sâu trong lòng khán giả...

Trịnh Công Sơn đã để lại cho đời hơn 600 bản tình ca với nhiều thể loại, nhưng chủ yếu dòng nhạc nhẹ trữ tình lãng mạn. Có thể nói, hầu như những bài ca do ông sáng tác đều xoáy sâu vào thân phận con người, một cuộc đời cụ thể. Nhưng khi cất lên lời ca, người ta tìm thấy bóng dáng của mình trong đó... Và chỉ cần cất lên ca từ đầu tiên thôi cũng cảm nhận được ông viết từ gan ruột. Nói đúng hơn, viết từ triết lý vốn sống từ tâm hồn nhạc sĩ, như “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi/ để một mai tôi vươn hình hài lớn dậy/ ôi cát bụi tuyệt vời/ mặt trời soi một chốn kiếp chơi” (Cát Bụi)

Có những bài ca với tiết tấu rộn ràng sôi động nhưng như một lời hiệu triệu mời gọi tha thiết cộng đồng, như “Rừng núi giang tay nối lại biển xa/ ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà/ mặt đất bao la/ anh em ta về/ gặp nhau mừng như bão táp, quay cuồng trời rộng/ bàn tay ta nắm quay tròn một vòng Việt Nam”. (Nối vòng tay lớn)

Tài hoa của Trịnh Công Sơn không chỉ thể hiện ở độ sắc sảo của ca từ, mà thể hiện ở tính cộng đồng rộng rãi.  Đỉnh cao là ca khúc Diễm xưa. Nhiều người thích ca khúc Diễm xưa. Mỗi khi lời ca cất lên, một cảm giác buồn man mác trong lòng nhớ về kỷ niệm một thời phiêu lãng, hoặc nhớ về mối tình đẹp đã đi qua trong đời... “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ/ Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao/Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ/ Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu”.  

Nghe nhạc Trịnh, ngẫm đời mình

Khi Trịnh Công Sơn qua đời, có nhiều cuộc hội thảo về thơ và nhạc của ông. Người ta tổng kết rằng, 40 năm cầm bút sáng tác của ông là sự giao cảm giữa âm thanh và ngôn ngữ. Cuộn gói tất cả trong tâm hồn ông là thân phận của mỗi con người, mỗi cuộc đời với đầy ắp sự trải nghiệm. Ở góc cạnh riêng tư, ông có thể chạm đến ngõ ngách sâu nhất của trái tim đa cảm: “Nắng có hồng bằng đôi môi em/Mưa có buồn bằng đôi mắt em/Tóc em từng sợi nhỏ/Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh” (Như cánh vạc bay).

Ngày Trịnh còn sống, giới nhạc sĩ còn biết Trịnh với tư cách là một nhà thơ tình lãng mạn. Ông có cả hàng trăm bài thơ, trong đó có cả những bài thơ viết còn dở trước khi nhắm mắt; có những bài chữ linh hoạt của thể thơ tự do... Bài thơ “Như cánh vạc bay” của ông có những câu: “Gió sẽ mừng vì tóc em bay/Cho mây hờn ngủ quên trên vai/Vai em gầy guộc nhỏ/Như cánh vạc về chốn xa xôi”. Và ông đã thổi hồn vào  những câu thơ độc đáo ấy,  để sau đó cho ra đời một khúc ca hoàn chỉnh, được nhiều người mến mộ.

Trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ họ Trịnh, có những bài ca chỉ nghe đã khóc, như bài hát “Huyền thoại mẹ”. “Đêm chong đèn ngồi nhớ lại từng câu chuyện ngày xưa, mẹ về đứng dưới mưa/ che từng căn hầm nhỏ/ ngăn từng bước chân thù/ mẹ là gió uốn quanh/ che đời con phiền muộn/ mẹ chìm dưới gian nan”.

Và người dân Thủ đô thầm cảm ơn Trịnh Công Sơn đã cho người Hà Nội hiểu về đất và người văn hiến ngàn năm. Để rồi mỗi lần người Hà Nội đi xa vẫn không bao giờ quên nơi chôn nhau cắt rốn. Chỉ cần hát câu đầu tiên thôi người ta cũng hiểu đó là Hà Nội với mùa thu vàng lãng mạn, với con người lịch lãm kiêu sa, với những nét đẹp cổ kính mang đậm nét của kinh đô ngàn năm: “Hà Nội mùa thu/ Cây cơm nguội vàng/ Cây bàng lá đỏ/ Nằm kề bên nhau/ Phố xưa nhà cổ/ Mái ngói thâm nâu…” (Nhớ mùa thu Hà Nội).

Trịnh Công Sơn để lại cho đời hơn 600 bản nhạc  với nhiều thể loại khác nhau, đó là một công trình âm nhạc đồ sộ, nhưng cái làm cho các thế hệ người Việt nhớ mãi về ông là “linh hồn” trong mỗi ca khúc.

Như nhạc sĩ - trung tá Nguyễn Hồng Sơn ở Vùng 2 Hải quân nhận xét: “Mỗi lần hát nhạc Trịnh, mình như tìm thấy mình trong đó. Nghe nhạc Trịnh khiến người ta sống chậm lại, nhân ái hơn, ngẫm nghĩ việc mình làm để sống tốt hơn, có trách nhiệm với Tổ quốc hơn...”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn