MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đình Hàng Kênh trở thành kiến trúc tiêu biểu trong các ngôi đình Việt Nam. Ảnh: MAI DUNG

400 con rồng quy tụ ở ngôi đình cổ Hải Phòng

Mai Dung LDO | 14/02/2024 07:00

Đình Hàng Kênh – ngôi đình cổ hơn 300 năm tuổi là di tích đặc biệt, tiêu biểu của thành phố Cảng - Hải Phòng. Ngôi đình còn nổi tiếng bởi lối kiến trúc độc đáo với các mảng chạm khắc gần 400 con rồng cầu kỳ, tinh xảo, mang đậm phong cách nghệ thuật thời Lê.

Kiến trúc độc lạ của ngôi đình rồng bay

Đình Hàng Kênh (tên chữ là Nhân Thọ đình, dân gian gọi là đình Rồng Bay, đường Nguyễn Công Trứ, phường Hàng Kênh, quận Lê Chân), tọa lạc trên một khuôn viên rộng chừng 6.000m2.

Đình thờ “Quốc tổ trung hưng” Ngô Quyền, người có công đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, mở ra một kỷ nguyên độc lập tự chủ lâu dài cho dân tộc Việt Nam.

Rồng là hình tượng chủ đạo trong kiến trúc đình Hàng Kênh. Ảnh: MAI DUNG

Theo thông tin từ Bảo tàng TP.Hải Phòng: Theo các nguồn tài liệu, đặc biệt là nội dung bia “Sáng lập từ vũ bi ký” cho biết, muộn nhất đình Hàng Kênh được khởi dựng vào cuối thế kỷ 17. Trải qua hàng trăm năm biến động, đình được tu bổ, dựng lại vào năm Tân Hợi đời Tự Đức (1851).

Năm 2006, 2007, được Nhà nước quan tâm, đầu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo lớn nên đình Hàng Kênh ngày càng uy nghi, đẹp đẽ.

Trải qua hơn 300 năm thăng trầm lịch sử, đình Hàng Kênh vẫn được bảo lưu gần như nguyên vẹn một công trình kiến trúc gỗ to lớn, bề thế, có kiến trúc hình chữ Công gồm 7 gian tiền tế, 3 gian ống muống, 3 gian hậu cung.

Nét đặc sắc, độc đáo của đình Hàng Kênh là nghệ thuật điêu khắc với hàng trăm mảng chạm tinh xảo, đề tài chủ đạo long - phượng. Các mảng chạm khắc có không gian nhiều tầng, nhiều lớp, thể hiện một thế giới điêu khắc sống động với nhiều đề tài phong phú, đa dạng như rồng, mây, hoa lá, kỳ lân, phượng...

Đáng nói, trong hơn 150 mảng điêu khắc của đình Hàng Kênh có gần 400 con rồng quấn quýt, hòa quyện cùng hoa lá, cỏ cây, chim, phượng với kỹ thuật chạm khắc điêu luyện, thể hiện tài năng, tinh hoa cũng như khát vọng cầu âm dương hòa hợp, mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi nẩy nở của những người thợ dân gian xưa. Mỗi con rồng ở đây đều có những sắc thái biểu cảm riêng biệt khiến du khách như lạc vào thế giới rồng bay sống động, huyền ảo.

Trong các đề tài chạm khắc tại đình Hàng Kênh, còn xuất hiện một số mảng chạm thể hiện một đao phát sáng ở trung tâm với bốn đọt măng như đuôi rồng, được đặt cân đối ở hai bên. Với hình thức thể hiện này, đao phát sáng như được đồng nhất với nguồn sinh lực vô biên của tầng trên truyền xuống tầng dưới để bật lên những mầm sống, thỏa khát vọng nhân sinh.

Hàng trăm mảng chạm khắc rồng trong kiến trúc đình Hàng Kênh. Ảnh: MAI DUNG

Điểm du lịch hấp dẫn của TP Hải Phòng

Đình Hàng Kênh còn giữ được nguyên vẹn hệ thống ván sàn long thuyền hiếm có, đưa di tích này trở thành một kiến trúc tiêu biểu trong các ngôi đình Việt Nam.

Ngoài ra, đình còn lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật, đồ thờ tự đẹp, quý hiếm, có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc, trong đó hình tượng con rồng vẫn chiếm chủ đạo.
Tượng Ngô Quyền khoác áo long cổn, đội mũ cánh chuồn. Trên long cổn chạm nổi đề tài “hổ phù long vân”, mũ chạm nổi đề tài “lưỡng long chầu nguyệt” và điểm xuyết những bông cúc mãn khai.

Tượng Ngô Quyền đặt trong khám thờ hậu cung, ngồi trên long ngai. Khuôn mặt vuông chữ điền toát lên vẻ quắc thước, đôi lông mày lưỡi mác, mắt sáng, tay to, môi đỏ, da trắng, có râu cằm và ria mép. Tất cả toát lên vẻ đẹp hình ảnh của bậc chính nhân quân tử nhưng cũng rất gần gũi và hiền từ. Căn cứ phong cách nghệ thuật trang trí và tạo tượng, pho tượng có thể được tạc vào khoảng thế kỷ XIX.

Kiệu bát cống có niên đại thời Nguyễn, vào khoảng thế kỷ XIX. Kiệu gồm 4 thanh đòn chạm khắc thành 4 con rồng. Trên lưng của tay đòn đó, đỡ đầu và đuôi của 2 thanh giằng ngang là 2 con rồng khác. Hai thanh giằng ngang lại đội đầu và đuôi của 2 đòn lớn khác. Cả 8 con rồng thân kiểu đều được chạm trong tư thế đang bay lên, tạo sự nhẹ nhàng, thanh thoát cho cả cỗ kiệu. Trên lưng hai con rồng lớn nhất có một chiếc ghế tựa dạng ngai vua. Hai bên tay ngai là 2 con rồng đang bay ra phía trước, quấn thân rồng là những dải mây.

Kiệu rồng đỡ ngai là một đặc trưng của việc thờ nam thần. Khi rước trên ngai này thường đặt bài vị Thành hoàng Ngô Quyền - người bảo trợ cho dân làng Hàng Kênh. Toàn thân kiệu được sơn son thếp vàng lộng lẫy, được đặt ở gian thứ 2 bên hữu tòa tiền tế.

Ngoài ra, đình lưu giữ hai pho tượng sống quy, có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII; nhiều long đao và kiếm thờ được liệt vào hàng cổ vật, tiêu biểu là đôi bảo đao có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ XVII; đôi tượng voi, ngựa có niên đại vào khoảng thế kỷ XIX, đều được tạc bằng gỗ đứng trên xe đẩy, được đặt chầu vào gian chính giữa...

Với những giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, đình Hàng Kênh được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia năm 1962, trở thành một di tích đặc biệt quan trọng của thành phố Hải Phòng và địa điểm tham quan du lịch rất hấp dẫn. Hàng năm, hàng vạn lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng lãm vẻ đẹp của một kiến trúc cổ kính bậc nhất Hải Phòng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn