MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà sử học Dương Trung Quốc tại lễ khởi công công trình khai quật tàu cổ Dung Quất. Ảnh: SGGP

48 tỉ trục vớt tàu cổ: Thay đổi nhận thức về ngành khảo cổ học

Đào Bích LDO | 12/07/2018 09:00
Các chuyên gia lịch sử, di sản hàng đầu như đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, PGS.TS Đặng Văn Bài, PGS Tống Trung Tín đều khẳng định, việc bỏ ra số tiền 48 tỉ đồng để trục vớt tàu cổ Dung Quất là một bước thay đổi nhận thức về ngành khảo cổ học.

Sự kiện tàu cổ đắm tại vịnh Dung Quất vừa được phát hiện và tiến hành khai quật đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Trao đổi với PV Lao Động, nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định, quá trình khai quật là một sự kiện quan trọng và là một thử thách to lớn mở ra chương mới cho ngành khảo cổ học Việt Nam. Chuyên gia sử học cung cấp thông tin, tàu cổ đắm tại vùng biển Dung Quất là con tàu thứ 7 được phát hiện và khai quật tại Việt Nam. Trước đó, những con tàu khác được phát hiện tại các vùng biển Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Vũng Tàu, Cà Mau.

Tàu cổ Dung Quất được phát hiện lần này là con tàu được đánh giá có nhiều cổ vật quý hiếm thuộc thời nhà Minh. Từ khi phát hiện đến lúc tiến hành khai quật con tàu cổ chỉ diễn ra trong vòng 1 năm. Điều đó cho thấy các cơ quan chức năng đã vào cuộc một cách nhanh chóng và tích cực.

Theo ông Dương Trung Quốc, những lần trục vớt trước đây chủ yếu dựa vào các chuyên gia nước ngoài và nguồn lực của các doanh nghiệp. Việc khai thác diễn ra thiếu bài bản, thậm chí bị xé lẻ và làm thất thoát các cổ vật. Nhiều sản phẩm thu về sau đó đã bị doanh nghiệp tư nhân mang đi bán đấu giá ở nước ngoài.

Nhận định về vấn đề này, PGS.TS Đặng Văn Bài, nhận định việc bỏ ra con số 48 tỉ đồng để khai quật tàu cổ chứng tỏ sự thay đổi lớn về nhận thức về ngành khảo cổ học của các cơ quan chức năng.

Giáo sư Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho hay, sau khi được trục vớt, tàu cổ sẽ trở thành một sản phẩm hấp dẫn để thu hút khách du lịch. Đây sẽ là một bộ sưu tập trọn vẹn về khảo cổ học Việt Nam.

“48 tỉ không phải là quá nhiều để chi cho ngành khảo cổ. Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi về nhận thức. Việc các cơ quan chức năng chú trọng, đầu tư và đề cao việc khai quật một con tàu cổ là rất đáng quý. Trước mắt chúng ta chưa thấy hiệu quả ngay nhưng về lâu dài, điều này sẽ mang lại giá trị bền vững”, ông nói.

PGS Tống Trung Tín, Viện Khảo cổ học Việt Nam cũng có những đánh giá tích cực về sự việc. Ông cho biết đây là động thái để giữ gìn và phát huy di sản trong nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn